Hậu ngày lễ 30.4, tôi thấy xuất hiện trên Facebook một clip ngắn bằng drone từ trên cao, quay cảnh dòng người đổ nườm nượp về trung tâm thành phố. Drone ghi hình dọc theo đoạn sông Sài Gòn, nhìn từ phía Thủ Thiêm về các quận trung tâm, quét qua quận Tư, quận Nhất, trải theo đại lộ Đông Tây, khu Bến Bạch Đằng, Ba Son… Nhìn từ trên cao, đoàn người ken đặc và đông nhung nhúc như kiến. Mặc dù drone ở trên cao vẫn lướt, đàn kiến dường như đứng yên một chỗ. Giống như bị tắc lại. Mỗi chấm người quá nhỏ để có thể nhận ra chuyển động. Bản thân họ cũng dường như không thể nhúc nhích vì không gian bị lèn chặt quá mức. Giống như thể đàn kiến bị rơi vào và mắc kẹt trong hũ mứt.
Đoạn clip chỉ dài tầm một phút (bây giờ chịu, tôi không thể tìm lại được), và ý đồ của những người thực hiện clip khá rõ ràng: họ muốn truyền tải sức hút, mức độ hoành tráng (“đỉnh nóc kịch trần pháp phới”) của một sự kiện năm mươi năm mới có một lần và việc người dân không quản khó nhọc để đến tận nơi xem tận mắt cho bằng được, nhưng trong đầu tôi chỉ bật lên một suy nghĩ: “Who are these people?”
Hàng triệu người dân đổ về thành phố trong những ngày diễn ra đại lễ. Hàng triệu bức hình được chụp và đăng tải trên khắp các phương tiện. Hàng vạn clip được quay và chia sẻ. Nhưng chúng ta chỉ thấy chủ yếu hình ảnh của những đoàn quân diễu hành, những người lính mặc quân phục, những gương mặt cương quyết và nghiêm nghị trong phong thái gần như đồng bộ. Còn về phía ngược lại của cảnh quay, ở phía những người quan sát, họ là những ai, tâm trạng của họ lúc đó thế nào?
Bẵng đi một vài hôm, trong đầu tôi vẫn sót lại câu hỏi ấy. Hàng trăm nghìn người đó là ai? Nhìn từ trên cao, họ là những đốm đen li ti trong một khối liền không nhúc nhích. Dòng người bị giới hạn trong không gian vật lý của những con đường; họ có thể len lên vỉa hè, nhưng đến đó là hết mức. Bên ngoài những con đường đông nhung nhúc, các cây cầu, những tòa nhà chọc trời mọc lô nhô, con sông, dòng nước chảy và những thảm xanh vẫn ở đó như cách chúng luôn ở đó; chỉ khác là giờ đây, kề bên chúng là những người và người; và chỉ trong một thời gian ngắn, sau quãng lễ lạt, mọi thứ lại trở về với nhịp điệu vốn dĩ.
***
Đôi lúc tôi tự hỏi vì sao mình lại viết, viết những điều tâm trí mình lăn tăn, đôi khi rời rạc và nhiều lúc cũng dớ dẩn. Tôi không nghĩ một lúc nào đó mình có thể kiếm được tiền nhờ việc viết. Và nhiều người thích viết khác (thật ra là rất nhiều, nếu bạn bắt đầu làm quen với hệ sinh thái trên substack này), viết ở đủ mọi ngôn ngữ khác nhau, tôi không nghĩ rằng trong một khoảng thời gian ngắn họ có thể kiếm được đồng tiền nhờ substack – không nói đến tiền để trang trải, mà chỉ là mấy đồng viết cho vui để dành dụm mua sách, chẳng hạn. Vậy tại sao tôi viết?
“I’m interested in the world.”
Tôi biết một điều: bất kỳ ai thực hiện công việc viết đều có mối quan tâm dành cho thế giới xung quanh (đôi khi là mối quan tâm thầm kín, đến chính họ cũng không biết, bản thân tôi nhiều khi cũng chẳng biết). Quan tâm đến thế giới xung quanh cũng tức là để tâm tới cuộc sống, để tâm đến con người. Họ yêu sự quan sát, họ thích lắng nghe và chiêm nghiệm. Họ thích những khoảng dừng và nghỉ, để mà nghĩ ngợi. Họ muốn tìm cách để truyền đạt, họ thích cắt nghĩa những tâm trạng và cảm xúc. Đôi khi họ phóng đại, đôi khi họ trừu tượng hóa, đôi khi họ chẻ sợi tóc làm tư, đôi khi họ “mean” và tủn mủn và vụt vặt và lào phào.
Viết đối với họ cũng giống như nhịp thở, như cách thở, nó tồn tại trong hàng triệu khoảnh khắc khác nhau, dường như không khác mà rất khác. Họ ưa phương thức tĩnh lặng của sự quan sát và biểu đạt.
Bởi thế, tôi tin chắc, những ai quan tâm đến con người, để ý đến con người, sẽ không bao giờ chọn cách quay từ trên cao và chọn khung hình mà con người nhỏ li ti, chen chúc và bị bó lại như đàn kiến không còn một chỗ trống để di chuyển. Họ sẽ không bao giờ chọn cách ghi hình lướt qua thật nhanh như cơn gió (vì clip chỉ kéo dài tầm một phút, dài hơn nữa thì mối quan tâm của người xem sẽ bị phân tán), và bản thân phương tiện, chiếc drone, đóng thế vài trò một con Su hay chiếc Mig đang trình diễn màn nhả khói, và khi nó trình diễn thì mọi người xem bên dưới sẽ phải “Ồ” và “Òa”. Nói sâu sát hơn, một ai đó để tâm đến con người sẽ không bao giờ chọn drone làm phương tiện biểu đạt.
Drone chỉ có hai vai trò chính, một là hobby, người ta cho drone bay vì thích. Hai là dùng trong quân sự, để do thám tiền trạm, hoặc làm vũ khí không người lái. (Nó là thứ mà trong một vài hoàn cảnh nhất định (như chiến tranh) người ta sẵn sàng hy sinh không thương tiếc. Một nước đang chuẩn bị duyệt binh mừng ngày chiến thắng hoành tráng, một nước lân bang còn cho dội drone ầm ầm, đùng đoàng, cơ mà?) Drone: chúng đâu được sinh ra để ghi lại những gương mặt và lưu giữ ký ức.
Hẳn có một thứ gì đó sai về mặt phương tiện.
Cho tới giờ là gần hai tuần sau ngày lễ, tôi vẫn tự hỏi, tại sao người ta không viết? Tức là, không cần phải bay vèo vèo những drone hay Su hay Mig. Tại sao người ta không đi chậm lại, tiến đến chậm rãi, hỏi người này người kia, tìm kiếm những động lực thú vị, những mặt lẩn khuất, những điều mà mệt quá, lâu quá, nắng quá, mọi người dần quên đi. Để viết nên những câu chuyện. Hoặc từng mảnh không tuyến tính của những câu chuyện, để khi sắp chúng lại với nhau, ta sẽ có một collage những hình dung của “một vài”, đại diện cho hàng triệu.
Clip chiếc drone bay tôi không biết tìm lại bằng cách nào, nhưng những câu chuyện sẽ còn lại mãi, bất kể phương tiện truyền đạt, bất kể người nghe người xem hay người đọc, bất kể khung thời gian và thời điểm. Những câu chuyện gắn với các gương mặt người, giờ này chúng ở đâu?
Chúng hẳn sẽ lạc trôi cùng các hội nhóm Facebook, cùng các diễn đàn “dọn tin” như Voz, cùng các các tờ báo đăng tin tức chộp giật xu thời. Chúng cũng sẽ lạc mất nếu như có người nào muốn viết mà không biết cách để neo lại. Giờ làm sao, cách nào, để không bị những nút like và share đẩy đi mất? Những lối mòn vẫn cứ là lối mòn, trừ khi có ai đó đi qua (như rất nhiều người khác đã từng đi qua), dừng lại, tự hỏi và gieo vào không gian một suy nghĩ. Kể từ thời điểm đó, một cơn gió thoảng, một dọi nắng xiên khoai, một chiếc lá, một cái vảy của vỏ cây, rồi sẽ trở nên rất khác. Con đường mòn ấy giờ đây, và mãi mãi, sẽ trở nên rất khác.
Liệu có còn ai trong không khí tấp nập của dịp lễ lạt, còn ngây thơ và trong sáng và thản nhiên đến mức này: gieo vào không gian một suy nghĩ, để những thứ, những điều xung quanh họ, kể từ đó, sẽ chạm vào nhau theo một cách rất khác?
(Không đâu, nhiều người vẫn thích phải bay vù vù, phải đi huỳnh huỵch, kiểu giọng phải to và dõng dạc thì mới đáng được phát biểu.) Và nếu dường như không một ai có mong muốn đó, sẽ là điều thật đáng tiếc cho một dịp, mà lý do chính người ta vẫn hay đưa ra lấn át cho mọi sự, là năm mươi năm mới có một lần.
Viết vẫn luôn là phương tiện truyền tải tuy cũ nhưng đủ chậm để ta không rơi vào bẫy thời gian. Trong thế giới khi mà mọi thứ diễn ra nhanh chóng và người ta liên tục bị phân tán bởi thông tin, viết lại là một hành động có sức mạnh riêng.
Substack có thể mang đến một hình thức viết mới, một hệ sinh thái nơi những người viết ngắn, viết dài có thể gặp nhau qua ý tưởng, trải nghiệm và sự nung nấu chung; nhưng cái chính, cái cần vẫn là có ai đó dừng lại, suy tư và chịu viết – không chỉ viết vì hình thức mà còn viết vì nội dung, vì cái cần được viết, bởi nếu cứ nghĩ để đó và không nói gì thêm nữa, để yên cho sự mập mờ lấn chỗ, sẽ luôn có những điều chực nói ra nhưng khựng lại, bị khô hạn, bạc màu, xốp và dễ tan biến như những con bướm đêm, hay những con nhậy, cánh rất mỏng và lớp vảy mỏng manh, dễ dàng tan biến khi ta chỉ khẽ chạm vào.
Đọc bài của anh lại làm em nhớ lại bài viết mới của chị Khải Đơn. Chẳng còn ai nhìn lên bầu trời ngắm để ngắm sao hay gieo vào không trung bao la những suy nghĩ, ý niệm. Thật tiếc