Bảo rằng X hay Y là từ xấu nhất trong tiếng Việt cũng cảm tính không khác gì một nhà phê bình nói Thạch Lam hay Khái Hưng là nhà văn xuất sắc nhất Việt Nam. Vì đây là nhận định mang sắc màu thời tiết và mang ngầm cả thiên kiến, tôi sẽ mở đầu một tích phân cho nó bằng trải nghiệm cá nhân.
Quãng năm hay sáu năm trước, tôi mò đi Berlin xem liên hoan phim. Tôi với Berlinale nhiều chuyện buồn cười lắm. Có lần tôi nộp đơn cho Berlinale Talents bị rớt, lý do là tôi chẳng có talent cho hạng mục nào cả. Có lần xem xong phim tầm chín giờ tối, nửa tiếng nữa xe bus cất bánh về lại Pháp, tôi vẫn thong dong tìm một imbiss lề đường ăn currywurst (vì quán í đông chứ không dự định trước). Kết quả là tôi trễ bus mười phút, may sao bác tài vẫn đợi chứ không là có biến. Bạn nào hay đi Flixbus chắc cũng biết các bác tài tới muộn thì được chứ ít khi nào đợi ai. Nhưng lần đó tôi đã được ăn đĩa currywurst ngon nhất tôi từng được ăn trong đời.
Trời tối không nhìn rõ, nhưng cái currywurst hôm đó trông như này (nguồn hình).
Câu chuyện tôi muốn kể là, một tối xem phim khác, đang đói bụng tôi đi ngang một imbiss tôi nghĩ khả năng cao là của người Việt, tôi gọi một hộp mì xào mang về. (Cái này gọi là “cái hộp” phỏng? Tôi thì nghĩ loại bẹt nằm ngang mới dùng để chỉ “hộp” trong phạm trù đựng thức ăn. Ok never mind.) Vì không chắc hai người đứng bán có phải người Việt không nên tôi gọi món bằng tiếng Anh. Trong lúc đứng đợi tôi nghe thấy bác gái đứng quầy nói với cậu xào mì: “Làm cho nó một hộp mì mang về.” Tôi khựng mấy mấy giây. Tôi nghĩ trông mặt mình cũng không phải non choẹt lắm, mình cũng không đi ăn chực (haha!) thế mà lại bị trỏ là nó, lại còn “làm cho nó”. Những câu, các đại từ như thế tôi cũng đã nghe thường ở Việt Nam, nhưng khi đứng ở một nơi khác, tự phản chiếu ngôn ngữ mình với các ngôn ngữ khác, tôi mới thấy cách dùng nó để chỉ người khác thực sự có vấn đề.
Một lần nọ, đi chơi ở đâu đó bên Bỉ (hình như Ghent), tôi ngủ trong một hostel thực ra là một con tàu cũ họ sửa các khoang thành các phòng dorm. (Nhìn ngoài thì hay ho thật nhưng đến lúc ở mới thấy sự pha trộn của mùi ẩm, mùi muối và mùi gỗ không thể tẩy đi đâu được.) Cùng phòng với tôi có cặp thanh niên Pháp. Trong lúc họ dọn đồ tôi nghe họ nói loáng thoáng, đại ý “chắc mình dùng ổ điện này sạc điện thoại, ổ điện kia để le monsieur ngồi kia dùng”. Họ thấy nhột khi trỏ đến người thứ ba. Hoặc đó là phản ứng bình thường không cần đến chỉ đạo của ý chí: họ tự giác dùng một đại từ trung tính. (Có thể trong sâu thẳm ý thức hoạt động thế này: nếu tất cả mọi sự trỏ đều trung tính, thì cái chúng ta nhận được từ người khác cũng sẽ trung tính.)
Ở đây tôi không muốn lậm vào những tranh cãi (cả cũ và không cũ) về sự khác biệt Đông-Tây, hay là cái nhìn trịch thượng và đầy thành kiến của phương Tây về ngôn ngữ và văn hóa của một nơi xa lạ. Điều tôi muốn nói là sự quy định ý thức của một từ thôi. Từ: nó.
Nó áp đặt thiên kiến xác nhận vào một người ban đầu ta hoàn toàn không có ý coi thường hay miệt thị gì cả nhưng nói xong thì ta cũng thấy coi thường luôn, vì là nó mà! Điều này sẽ không xảy ra nếu ta thay thế bằng tên riêng hay “cái anh kia”, “chị ấy”, “vợ/chồng mày”, “em mày”, hoặc được giảm bớt bằng “ẻm”, “ổng”, “bả”, hay thậm chí “em nó”, “cháu nó” (cũng với từ nó nhưng đã có ý muốn giảm thiểu thiệt hại).
Nó làm tăng sự phân biệt vốn dĩ đã có sẵn với một người ta ngầm ý xem là thấp kém hơn. Rõ nhất là nếu thua về tuổi tác. Rõ nhì là thua về thứ bậc trong gia đình. Chưa nói đến ngoài xã hội, nói trong nhà, nó làm mất bình đẳng trong hôn nhân và partnership. Chồng/vợ/partner ít tuổi hơn khả năng cao sẽ bị trỏ là nó. Bằng tuổi hoặc nhiều tuổi hơn mà đéo thích hoặc ương thì cũng bị gọi là nó. Con dâu/rể nhiều khả năng cũng bị gọi là nó. Đôi khi lý do không phải là chuyện thích/không thích hay ý muốn tỏ ra quyền lực của người nói. Đôi khi lý do là chẳng có lý do gì cả. Cái chẳng-có-lý-do-gì dẫn đến sự số 3.
Nó, khi áp dụng cho cả người và vật, thể hiện tính ì và làm giảm vai trò chủ quản của người nói đối với sự phát-ngôn. Sau cùng, chúng ta không làm chủ được ngôn ngữ mình nữa. Ta bị chính cái thiên kiến của mình đánh gục. Gọi “ông thầy” là nó. Gọi “thằng công chứng” là nó. Cái xe đạp là nó. Cái cây rau là nó (“Tưới làm gì lắm. Để yên cho nó lớn.”) Và khách hàng là nó.
Tôi đã kể ở đâu đó một chuyện vui, có thật. Cách đây nhiều tháng tôi có việc đi Thụy Điển. Một buổi sáng thứ Hai tinh mơ, tôi đi dạo trong khuôn viên trường Uppsala, những hạt sương vẫn còn vương trên lá, và những chiếc lá sau một giấc ngủ dài vẫn chưa kịp vươn vai để hóa kiếp sương thành những hạt li ti nước, tôi bỗng nghe một tiếng rành rọt ở sau lưng: “Địt mẹ mày!” Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là hai chữ ĐM đậm đà thân thương ấy trỏ đến mình. Khổ thế, qua đến đây rồi vẫn còn bị thằng nào chửi. Ngoảnh đầu lại mình thấy một em sinh viên đồng hương đang giậm chân lên cái bàn đạp xe đạp. Hóa ra em ấy chửi cái xe đạp bị hóc sên (xích). Sau này nghĩ lại, tôi coi đó là cảnh giới cao nhất bạn có thể humiliate/làm nhục một cái xe đạp. Hay một vật bất kỳ.
Nói để thấy, ngôn ngữ đầu môi nguy hiểm đến chừng nào. Vật đã thế, người thì sao?