Nobel Lecture của Jon Fosse ngày 7 tháng 12 năm 2023 tại Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển ở Stockholm.
Khi tôi học cấp hai thì đột nhiên chuyện đó xảy ra. Giáo viên yêu cầu tôi đọc to một thứ gì đó. Và một nỗi sợ hãi không biết từ đâu đột nhiên ập đến, khiến tôi hoàn toàn choáng ngợp. Tôi gần như biến mất trong nỗi sợ hãi và trong tôi chỉ duy có nỗi sợ hãi. Tôi đứng dậy và chạy ra khỏi lớp. Tôi nhận thấy ánh mắt mở to của các bạn cũng như của giáo viên đang dõi theo tôi ra khỏi lớp học.
Sau đó, tôi cố gắng giải thích hành vi kỳ lạ của mình, nói rằng tôi phải đi vệ sinh. Tôi có thể nhìn thấy trên khuôn mặt của những người đang nghe rằng họ không tin tôi. Có lẽ họ nghĩ rằng tôi đã phát điên, đúng vậy, đang trên đà trở thành kẻ điên.
Nỗi sợ việc đọc to thành tiếng luôn ám ảnh tôi. Thời gian trôi qua, tôi dần dần lấy được dũng cảm để xin phép giáo viên được miễn đọc thành tiếng, vì tôi quá sợ điều đó, một số họ đã tin tôi và ngừng yêu cầu tôi, một số người khác nghĩ rằng tôi đang đùa với họ.
Từ kinh nghiệm này, tôi rút ra được những bài học quan trọng về con người.
Tôi còn học được nhiều điều khác nữa.
Đúng vậy, có lẽ thứ gì đó đã giúp tôi có thể đứng đây và đọc to cho khán giả ngày hôm nay. Và bây giờ gần như không còn sợ hãi nữa.
Tôi đã học được gì?
Bằng cách nào đó, cứ như thể nỗi sợ hãi đã tước ngôn ngữ ra khỏi tôi, và tôi phải giành lại nó, theo nghĩa đen. Và nếu tôi muốn làm điều đó, không thể dựa trên những sắp đặt hay điều kiện của người khác, mà phải dựa trên chính bản thân mình.
Tôi bắt đầu viết văn, thơ ngắn, truyện ngắn.
Và tôi phát hiện ra rằng việc viết mang lại cho tôi cảm giác an toàn, đã giúp tôi đối mặt với nỗi sợ hãi.
Theo một cách nào đó, tôi đã tìm thấy một nơi bên trong mình chỉ dành cho riêng mình, và từ nơi đó, tôi có thể viết những thứ chỉ dành cho riêng mình.
Giờ đây, khoảng năm mươi năm sau, tôi vẫn ngồi và viết - tôi vẫn ngồi viết từ chốn bí mật bên trong mình, cái nơi, thú thật, tôi không biết gì nhiều ngoài việc nó tồn tại. Trong một bài thơ, Olav H. Hauge1 so sánh hành động viết với việc làm một đứa trẻ, xây trong rừng những túp lều bằng lá và cành cây bụi, rồi chui vào bên trong, thắp nến, ngồi đó và cảm thấy an toàn trong đêm thu tăm tối. Tôi nghĩ đó là hình ảnh chân thực về cách tôi, tương tự, trải nghiệm hành động viết. Bây giờ - cũng như năm mươi năm trước.
Và tôi đã học thêm nhiều điều, tôi đã học được rằng, ít nhất là với tôi, có một sự khác biệt lớn giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, hoặc giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ văn chương.
Ngôn ngữ nói thường là việc truyền tải độc thoại một thông điệp rằng điều gì đó phải như thế này hoặc thế khác, hoặc truyền tải một cách tu từ một thông điệp nhằm mục đích thuyết phục hoặc gieo niềm tin.
Ngôn ngữ văn chương không bao giờ như thế - nó không thông báo, nó mang và gieo nghĩa thay vì truyền tải, nó có sự tồn tại riêng của nó.
Và tất nhiên, từ góc độ đó, những áng văn hay và bất kỳ loại thuyết giảng nào đều đối lập nhau, cho dù thuyết giảng ấy mang tính chất tôn giáo hay chính trị hay bất cứ điều gì.
Qua nỗi sợ hãi phải đọc to thành tiếng, tôi đã bước vào nỗi cô đơn, thứ hầu như là cuộc sống của một người viết - và tôi đã náu lại kể từ đó.
Tôi đã viết rất nhiều, cả văn xuôi và kịch.
Và tất nhiên, điều đặc trưng cho kịch là nó là bài phát biểu dạng viết, trong đó sự đối thoại, cuộc trò chuyện, hoặc thường là nỗ lực để nói, và bất cứ điều gì có thể là độc thoại, luôn luôn là một vũ trụ được tưởng tượng, là một phần của thứ gì đó không thông báo điều gì, nhưng có hiện thể [being/Dasein] của riêng nó - hiện thể ấy có tồn tại.
Và khi nói đến văn xuôi, Mikhail Bakhtin đã đúng khi lập luận rằng cách thức diễn đạt, tức chính hành động kể chuyện, có hai giọng ở trong nó2.
Để đơn giản hóa: giọng của người nói, người viết và giọng nói của người được nói đến. Những giọng này thường lồng vào nhau theo cách mà không thể nói được giọng của ai vào với ai.
Nó đơn giản trở thành một giọng viết “kép” - và đó tất nhiên cũng là một phần của vũ trụ viết, và logic bên trong nó.
Mỗi tác phẩm tôi viết ra, có thể nói, đều có vũ trụ hư cấu của riêng chúng, thế giới riêng của chúng. Một thế giới mới với mỗi một vở kịch, mỗi một cuốn tiểu thuyết.
Nhưng một bài thơ hay, bởi vì tôi cũng viết rất nhiều thơ, cũng là một vũ trụ của riêng nó - nó liên hệ chủ yếu tới chính nó. Sau đó, ai đó đọc nó có thể bước vào một vũ trụ, ấy chính là bài thơ - đúng vậy, nó giống như một cách thức hiệp thông hơn là một sự giao tiếp.
Thực tế, điều này có thể đúng với tất cả những gì tôi đã viết.
Chắc chắn một điều, tôi chưa bao giờ viết để bày tỏ bản thân mình, như mọi người thường nói, mà là để thoát khỏi bản thân mình.
Việc tôi trở thành một nhà viết kịch - vâng, tôi có thể nói gì về điều đó?
Tôi viết tiểu thuyết, làm thơ và không có mong muốn viết cho sân khấu, nhưng theo thời gian tôi đã làm điều đó vì - như một phần của sáng kiến do chính phủ tài trợ để có thể nhiều kịch mới tiếng Na Uy - tôi đã được đề nghị một khoản tiền kha khá đối với tôi, một tác giả nghèo, để viết cảnh mở đầu của một vở kịch, và rốt cuộc tôi viết cả một vở kịch, vở kịch đầu tiên và cho đến nay vẫn được trình diễn nhiều nhất của tôi, Ai đó sẽ đến3.
Lần đầu tiên tôi viết một vở kịch hóa ra lại là điều ngạc nhiên lớn nhất trong cả cuộc đời tôi với tư cách là một nhà văn. Bởi vì trong cả văn xuôi và thơ, tôi đã cố gắng viết những gì vốn luôn không thể nói bằng lời trong ngôn ngữ nói thông thường. Vâng, chính xác là như vậy. Tôi đã cố gắng diễn đạt thứ không thể nói, điều được cho là lý do để trao cho tôi giải Nobel Văn học.
Điều quan trọng nhất trong cuộc sống không thể được nói, chỉ có thể được viết, để đảo đi một câu nói nổi tiếng của Jacques Derrida4.
Vì vậy tôi đã cố gắng để ngôn ngữ im lặng lên tiếng.
Và trong kịch, tôi có thể sử dụng ngôn ngữ im lặng, những người im lặng, theo một cách hoàn toàn khác so với văn xuôi và thơ. Tất cả những gì tôi phải làm là viết từ “dừng lại” (pause), và lời nói im lặng sẽ nằm ở đó. Và trong kịch của tôi, từ pause chắc chắn là từ quan trọng nhất và được sử dụng nhiều nhất - pause dài, pause ngắn hoặc chỉ đơn giản là pause.
Trong những khoảng dừng này có thể chứa rất nhiều hoặc rất ít. Điều gì đó không thể nói ra, điều gì đó không muốn nói ra hoặc được nói tốt hơn bằng cách không nói gì cả.
Tuy nhiên, tôi khá chắc chắn rằng điều nói nhiều nhất qua những khoảng dừng là sự im lặng.
Trong văn xuôi của tôi, có lẽ tất cả những lời lặp lại đều có chức năng tương tự như những khoảng dừng tôi dùng trong kịch. Hoặc có lẽ đó là cách tôi nghĩ về nó, rằng trong vở kịch có lời thoại im lặng, thì đằng sau ngôn ngữ viết của các tiểu thuyết cũng có một ngôn ngữ im lặng , và nếu tôi muốn viết văn hay, thì lời thoại im lặng này cũng phải được thể hiện, ví dụ như trong Septology, chính lối nói im lặng này - bây giờ xin đưa ra một vài ví dụ cụ thể - đã cho biết Asle đầu tiên và Asle sau đó hoàn toàn có thể là cùng một người, và toàn bộ cuốn tiểu thuyết dài, khoảng 1200 trang, có lẽ chỉ là một cách diễn đạt bằng văn viết của một cái hiện tại/lúc này được trích xuất ra.
Nhưng một lời nói im lặng, hoặc một ngôn ngữ im lặng, được nói và sinh ra chủ yếu từ tính toàn cục của tác phẩm. Cho dù đó là một cuốn tiểu thuyết, một vở kịch hay một công diễn sân khấu, bản thân các chi tiết không phải là điều quan trọng, mà là tính toàn cục phải hiện diện ngay cả trong những chi tiết nhỏ nhất - hoặc có lẽ tôi có thể dám nói về tinh thần của tổng thể, một tinh thần theo cách nào đó có thể nói từ cả cự ly gần lẫn xa.
Và bạn nghe thấy gì, nếu bạn lắng nghe đủ kỹ?
Bạn nghe thấy sự im lặng.
Và như người ta đã nói, chỉ có trong sự im lặng mới có thể nghe được tiếng Chúa.
Có thể.
Bây giờ để trở lại với thực tế, tôi muốn đề cập đến một điều khác mà việc viết kịch đã mang lại cho tôi. Viết lách là một nghề cô đơn, tôi đã từng nói như thế, và cô đơn thì cũng tốt - miễn là con đường quay trở lại với những người khác vẫn rộng mở, để trích một bài thơ khác của Olav H. Hauge.
Và điều khiến tôi bị cuốn hút ngay lần đầu tiên tôi nhìn thấy thứ gì mình viết được trình diễn trên sân khấu, đúng vậy, đó lại là sự đối lập với cô đơn, đó là sự đồng hành, đúng là thế, để tạo ra nghệ thuật thông qua việc chia sẻ nghệ thuật - điều đó đã mang lại cho tôi một cảm giác hạnh phúc và bằng yên vô cùng.
Nhận thức này đã luôn theo tôi kể từ đó, và có lẽ cũng giúp tôi không chỉ có thể chịu đựng những chuyển thể tồi tệ kịch của mình với một tâm hồn bình lặng mà còn có thể xem chúng với một niềm hạnh phúc nào đó.
Sân khấu thực sự là một hành động lớn của sự lắng nghe - một đạo diễn ít nhất phải lắng nghe văn bản, hay cái cách các diễn viên phải lắng nghe kịch bản, lắng nghe lẫn nhau và lắng nghe đạo diễn, và cái cách khán giả lắng nghe toàn bộ buổi diễn.
Và hành động viết lách đối với tôi là lắng nghe: khi tôi viết, tôi không bao giờ chuẩn bị, tôi không lên kế hoạch gì cả, tôi tiến hành bằng cách lắng nghe.
Vì vậy, nếu tôi viện đến một phép ẩn dụ cho hành động viết, nó phải là sự lắng nghe.
Do đó, gần như không cần phải nói, viết lách gợi nhớ đến âm nhạc. Vào một thời điểm nào đó, ở tuổi thiếu niên, tôi gần như đi thẳng từ việc chỉ tham gia vào âm nhạc sang viết lách. Tôi thực sự ngừng chơi nhạc và nghe nhạc, và bắt đầu viết, và trong khi viết, tôi cố gắng tạo ra một thứ gì đó từ những gì tôi đã trải nghiệm khi chơi nhạc. Đó là những gì tôi đã làm khi đó - và những gì tôi vẫn làm lúc này.
Một điều khác, có lẽ hơi kỳ lạ, là khi tôi viết, vào một thời điểm nào đó, tôi luôn có cảm giác rằng bản văn đã được viết ở đâu đó ngoài kia chứ không phải bên trong tôi, và tôi chỉ cần viết nó xuống trước khi bản văn ấy biến mất.
Nhiều lúc tôi có thể làm điều đó mà không cần sửa đổi gì, đôi khi tôi phải tìm kiếm bản văn bằng cách viết lại nó, cắt và chỉnh sửa, và cẩn trọng tìm cách đưa ra bản văn đã được viết.
Và tôi, người từng không có ý định viết kịch, lại dành khoảng mười lăm năm chỉ để làm việc đó. Và những vở kịch tôi viết thậm chí còn được trình diễn trên sân khấu, vâng, theo thời gian, đã có rất nhiều buổi diễn ở nhiều quốc gia.
Tôi vẫn không thể tin nổi điều đó.
Cuộc sống thật không thể đoán trước được.
Cũng giống như tôi không thể tin rằng giờ đây tôi đang đứng đây cố gắng nói vài lời hợp tình hợp lý về việc viết lách, liên quan đến chuyện mình vừa được trao giải Nobel Văn học.
Và việc tôi được trao giải này, theo như tôi được biết, có liên quan đến cả kịch và văn xuôi của tôi.
Sau nhiều năm chỉ viết kịch, đột nhiên tôi cảm thấy đã quá đủ, thậm chí là hơn cả đủ, và tôi quyết định ngừng viết kịch.
Nhưng viết lách đã trở thành một thói quen không thể thiếu - có lẽ, như Marguerite Duras đã nói, có thể gọi nó là một căn bệnh - vì vậy tôi quyết định quay trở lại nơi mà tất cả bắt đầu, viết văn xuôi và các thể loại viết khác, như cách tôi đã làm trong khoảng một thập kỷ trước khi ra mắt với tư cách là nhà viết kịch.
Đó là những gì tôi đã làm trong mười đến mười lăm năm qua. Khi tôi bắt đầu nghiêm túc viết văn xuôi trở lại, tôi không biết liệu mình còn có thể làm được hay không. Tôi đã viết Trilogy trước tiên - và khi tôi được trao Giải thưởng Văn học Hội đồng Bắc Âu cho cuốn tiểu thuyết đó, tôi coi đó như một sự xác nhận lớn lao rằng tôi cũng có điều gì đó để đóng góp cho văn xuôi.
Sau đó tôi viết Septology5.
Và trong quá trình viết cuốn tiểu thuyết này, tôi đã trải qua một số khoảnh khắc hạnh phúc nhất của mình với tư cách một nhà văn, chẳng hạn như khi Asle này tìm thấy một Asle khác đang nằm trong tuyết và cứu sống anh ta. Hoặc ở đoạn kết thúc, khi Asle đầu tiên, nhân vật chính, bắt đầu chuyến hành trình cuối cùng của mình trên một chiếc thuyền, một thuyền đánh cá cũ, với Åsleik, người bạn thân và duy nhất của anh ta, để mừng Giáng sinh với em gái [hoặc chị gái] Guro của Åsleik.
Tôi không có kế hoạch viết một cuốn tiểu thuyết dài, nhưng cuốn tiểu thuyết gần như tự nó viết ra và trở thành một cuốn tiểu thuyết dài, và tôi đã viết nhiều phần với một mạch chảy mượt mà đến nỗi mọi thứ đều khít vào ngay tức khắc.
Và tôi nghĩ đó là lúc tôi gần nhất với cái gọi là hạnh phúc.
Toàn bộ Septology có chứa những ký ức về nhiều tác phẩm khác mà tôi đã viết, nhưng được nhìn nhận dưới một ánh sáng khác. Việc không dùng một dấu chấm kết thúc nào trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết không phải là phát minh mới. Tôi chỉ viết tiểu thuyết như vậy, trong một dòng chảy, một chuyển động không đòi hỏi một dấu chấm kết thúc.
Tôi đã từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng viết lách là một dạng cầu nguyện. Và tôi đã xấu hổ khi thấy bài phỏng vấn lúc in ra. Nhưng sau đó tôi đọc được rằng, như một cách tự an ủi, Franz Kafka cũng đã nói như vậy. Vậy phải chăng là như thế - sau tất cả?
Những cuốn sách đầu tiên của tôi nhận được nhiều đánh giá không tốt, nhưng tôi quyết định không để tâm đến những lời chê bai, chỉ tin tưởng vào bản thân mình. Nếu không làm vậy, chắc chắn tôi đã bỏ cuộc viết lách sau khi cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi, Raudt, svart (Đỏ, đen), ra mắt cách đây 40 năm rồi.
Về sau, tôi nhận được nhiều đánh giá tốt và thậm chí còn được nhận giải thưởng – và lúc đó tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải tiếp tục với cùng một logic, nếu không để tâm đến những đánh giá tiêu cực, tôi cũng sẽ không để thành công làm mình sao nhãng, sẽ luôn giữ chặt lấy những trang viết của mình, trân trọng những gì mình đã sáng tạo ra.
Và tôi nghĩ rằng tôi đã làm được điều đó, và thực sự tin rằng mình sẽ tiếp tục làm như vậy ngay cả sau khi đạt được giải Nobel.
Khi có thông báo rằng tôi được trao giải Nobel Văn học, tôi nhận rất nhiều email và lời chúc mừng, và tất nhiên, tôi rất vui mừng. Hầu hết những lời chúc mừng đều đơn giản và vui vẻ, nhưng một số người đã viết rằng họ đã hét lên sung sướng, những người khác đã khóc. Điều đó thực sự chạm đến tôi.
Có rất nhiều vụ tự tử trong tác phẩm của tôi. Hơn cả mức tôi muốn nghĩ. Tôi đã sợ rằng, bằng cách này, tôi có thể đã góp phần hợp pháp hóa việc tự tử. Vì vậy, điều chạm đến tôi hơn bất cứ thứ gì khác là những người thẳng thắn viết rằng tác phẩm của tôi đã thực sự cứu cuộc đời họ.
Theo một cách nào đó, tôi đã luôn biết rằng viết có thể cứu sống, có lẽ nó đã cứu cả cuộc đời tôi. Và nếu tác phẩm của tôi cũng có thể giúp cứu cuộc sống của ai khác, thì không có gì làm tôi hạnh phúc hơn.
Cảm ơn Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trao cho tôi giải Nobel Văn học.
Và xin cảm ơn Chúa.6
Dịch từ bản tiếng Anh của Nobelprize.org, có đối chiếu với bản tiếng Đức đăng trên Süddeutsche Zeitung.
Nhà thơ và dịch giả thơ người Na Uy (1908-1994)
Bakhtin cho rằng bản thân hành động kể là một sự kiện đối thoại (dialogic event). Giọng của tác giả không chỉ kể câu chuyện mà còn tham gia vào cuộc đối thoại với các nhân vật, người đọc và những giọng khác có trong văn bản. Điều này có nghĩa là văn xuôi không chỉ đơn giản là câu chuyện kể tuyến tính mà còn là sự tương tác phức tạp và luôn thay đổi của các “giọng”. Bakhtin xác định hai loại giọng chính hiện diện trong văn xuôi: (1) giọng tác giả là giọng của người kể câu chuyện; giọng này có nhiệm vụ tổ chức cốt truyện, trình bày các nhân vật và hình thành trải nghiệm của người đọc về câu chuyện; (2) giọng nhân vật là tiếng nói của chính các nhân vật, những giọng hiện diện trong lời thoại, lời kể và suy nghĩ của nhân vật.
Ai đó sẽ đến (Someone is Going to Come): vở kịch đầu tiên của Jon Fosse, viết năm 1992. Bối cảnh là một căn nhà gỗ hẻo lánh ở Na Uy, một người đàn ông và một người phụ nữ đến để được một mình cùng nhau, nhưng ngay từ đầu họ đã cảm thấy bất an rằng “ai đó sẽ đến”. Khi nhiều giờ trôi qua mà không có ai đến, rõ ràng là họ đang chờ đợi một điều gì đó không chỉ là một vị khách. Vở kịch được đặc trưng bởi sự tối giản (lời thoại thưa thớt), bầu im lặng (lời nói của các nhân vật thường bị lu mờ bởi sự im lặng xung quanh họ), và sự lặp lại - tạo ra cảm giác bất an và ngóng đợi, vì các nhân vật dường như bị mắc kẹt trong một chu kỳ chờ đợi và khao khát lặp đi lặp lại.
Câu nói nổi tiếng của Jacques Derrida, "Không có gì bên ngoài văn bản" (il n'y a pas de hors-texte). Derrida cho rằng không có thực tế khách quan nào tồn tại độc lập với ngôn ngữ và sự diễn giải. Mọi thứ chúng ta biết và trải nghiệm đều được lọc qua ngôn ngữ và chính nhờ ngôn ngữ mà chúng ta hiểu được thế giới.
Septology bao gồm bảy cuốn sách, được nhóm thành ba tập. Mỗi cuốn bao gộp một ngày, toàn bộ cuốn sách tạo thành một tuần (ý tưởng là ta có thể sống theo một tuần của cuốn tiểu thuyết gần như theo thời gian thực). Cả cuốn tiểu thuyết diễn ra trong một câu dài, ít ngắt đoạn và không có điểm dừng hoàn toàn. Nhân vật chính là Asle, một họa sĩ sống ở một làng chài nhỏ phía tây Na Uy. Nhiều năm trước đó, Asle bỏ rượu và cải đạo sang Công giáo theo sự thúc giục của vợ là Ales. Khi cuốn sách bắt đầu, Ales đã mất và Asle sống một mình.
Jon Fosse cải đạo sang Công giáo vào năm 2013. Ở Na Uy, phần đông dân số theo đạo Luther (Tin Lành). Cả nước chỉ có khoảng bốn hoặc năm nghìn người sắc tộc Na Uy theo Công giáo, bên cạnh những người nhập cư Ba Lan hoặc Philippines. Ông kể rằng có những lần đi lễ ở St. Olav’s Cathedral, ông là người Na Uy duy nhất.