Hôm nọ tôi thấy một post khá hay trong nhóm đọc sách “Nhã Nam reading club”. Bạn đọc bình luận về cách dịch một đoạn trong chương Một của Moby Dick, so sánh bản dịch của Nhã Nam với bản của Kim Đồng. Để cho ngắn gọn, tôi dẫn lại ở đây hai câu đầu tiên.
Bản gốc
“There now is your insular city of the Manhattoes, belted round by wharves as Indian isles by coral reefs—commerce surrounds it with her surf. Right and left, the streets take you waterward.”
Nhã Nam
“Đây là thành phố đảo của dân xứ Manhatto, bao chung quanh là những bến tàu hệt những rạn san hô quanh các hải đảo Tây Ấn - giao thương như sóng trào vây bọc lấy hòn đảo. Theo tay trái lẫn tay mặt, phố đều dẫn ta đi về phía nước.”
Kim Đồng
“Bây giờ, đằng xa kia là thành phố Manhattan vắng lặng, với những dải cầu tàu xung quanh, như một quần đảo nhỏ ở Ấn Độ Dương có nhiều rạn san hô bao bọc. Nhưng ở đây lại mang dấu hiệu của một thương trường, vì có những con tàu biển đậu đầy bên mép nước. Bên trái cũng như bên phải, chỗ nào cũng là đường sông rạch, thay vì những con đường trên bộ.”
Theo thiển ý của tôi, bản của Nhã Nam tốt hơn, vì nó vừa đủ. Vừa đủ vì nó không thừa ý, không dôi thêm từ, không bẻ lái hay làm phức tạp thêm cấu trúc. Bản của Kim Đồng khá rườm rà, dư ý “vắng lặng”, lại dôi thêm một câu dài ở giữa chỉ để giải quyết dấu gạch nối ở giữa. Câu tiếp theo, bản Kim Đồng lại dư thêm ý “chỗ nào cũng là đường sông rạch” — ý này ta không tìm thấy trong bản gốc. Về mặt cấu trúc, bản Kim Đồng cũng bẻ lái quá đà khi thêm vào một câu bắt đầu bằng “nhưng” và một cú bắt đầu bằng “thay vì”.
Thông thường bạn đọc khá khoan dung. Có người chỉ ra bản Kim Đồng đọc trôi chảy, giúp người đọc hình dung dễ dàng hơn khung cảnh, vẽ ra một bức tranh chi tiết hơn.
Nhưng chúng ta dễ thấy điều này: Một bản dịch là một phong cách. Với hai câu đầu như vậy, ta có thể trông chờ là toàn bộ bản dịch sẽ được xử lý theo cùng một phong cách ấy. Sự đón nhận một phong cách hay style tùy thuộc vào gu của mỗi người. Trong mảng dịch văn học từ nhiều chục năm nay đã có không ít cuộc tranh luận về dịch gần với bản gốc hay gần với văn hóa đích. Người dịch gần với bản gốc hay bị chê là khô khan, word by word. Người dịch gần với văn hóa đích, tức là thiên về làm mềm văn bản tiếng Việt sao cho gần gũi với người đọc tiếng Việt hơn, thường được khen là “dịch thoát”, chỉ đôi khi bị chỉ trích là “phóng tác”, tức là đi quá xa bản gốc.
Chữ “tín” và độ tin cậy của bản dịch
Ở đây tôi không muốn bàn đến chữ “nhã”, tức dịch phải thoát, phải hay, phải trôi chảy. Theo tôi, điều quan trọng nhất khi dịch là chữ “tín”. Nói đơn giản, việc của người dịch, là phải cho ra bản dịch đủ độ tin cậy. Phải đủ độ tin cậy trước, rồi sau đó mới tính đến “thoát” và hay.
Nhiều người ca ngợi Bùi Giáng. Ông dịch thơ Friedrich Hölderlin không ai nhìn ra đó là thơ Đức. Ông là thần tượng của những ai cho rằng việc dịch phải làm sao càng gần với văn hóa đích càng tốt, vì dù sao, dịch ra là để cho người Việt đọc.
Nhưng thời bây giờ đã khác xa ngày xưa — Bùi Giáng cách tôi có lẽ phải ba, bốn thế hệ. Ông dịch thơ Hölderlin những năm 196x, đầu 7x. Đa phần người đọc thế hệ đó chỉ có thể tiếp cận Hölderlin và tư tưởng của nhà thơ qua bản dịch tiếng Việt. Thời nay, nhiều người có thể đọc thơ Hölderlin qua bản dịch tiếng Anh, Pháp, cùng lúc với đọc bản tiếng Việt; một số ít hơn có thể đọc trực tiếp tiếng Đức. Và mục đích của việc dịch cũng đồng thời thay đổi: bản dịch ra đời để phục vụ cho việc đọc bằng những cách thức khác nhau, qua những phương tiện khác nhau, bất cứ khi nào người ta thích, bất cứ lúc nào người ta có điều kiện. Việc dịch, khác xưa, không còn nhằm làm cho bản dịch của mình trở thành duy nhất. Người dịch không còn là cầu nối duy nhất giữa tác giả với người đọc.
Đó là lý do mà chữ “tín” quan trọng hơn lúc nào hết. Người dịch năm 196x là một sứ giả văn hóa. Không có các dịch giả thì chịu, không ai biết Hölderlin (nhà thơ Đức năm 18xx) hay Arthur Koestler, một ông người Áo-Hung gốc Do Thái ban đầu Bolshevik nhưng về sau chống cộng, là ai. Nhưng độc giả ngày nay xem Youtube, lướt BookTok, đọc Facebook và biết sơ lược về tác giả trước khi họ tìm đọc bản dịch. Người đọc ngày nay còn xem phim chuyển thể và đối chiếu với sách mình đọc. Người đọc ngày nay biết một hoặc nhiều ngoại ngữ.
Chứ “tín” trọng việc dịch còn quan trọng hơn khi ta xét đến chuyện văn bản đủ độ tin cậy nghĩa là văn bản có thể nghiên cứu được. Cách đây vài năm tôi làm một dự án nhân văn số (digital humanities), thu thập các bản dịch Huckleberry Finn của Mark Twain ở nhiều ngôn ngữ (tôi nhớ là mình tìm được bản dịch ở 27 thứ tiếng), và cho máy tính làm đối chiếu sơ lược. Chẳng hạn, ở mức độ câu cú, tôi sẽ chạy code để đầu và cuối mỗi câu chèn tag <câu> và </câu>. Ở mức độ từ vựng, tôi sẽ cho máy đếm xem bản gốc Mark Twain dùng bao nhiêu từ “nigga” và các biến thể, và chẳng hạn, bản tiếng Hung có bao nhiêu từ trỏ đúng chữ “nigga” đó. Điểm này đặc biệt quan trọng trong văn bản Mark Twain, vì nó cho thấy các văn hóa đích dung nạp ý niệm “nigga”, tức “thằng mọi đen” ở mức độ nào.
(Bài tóm tắt nghiên cứu trên được đăng ở đây.)
Lĩnh vực nhân văn số trao cho máy tính các tác vụ “đóng gói thô” kiểu kiểu như vậy. Giờ ta nhìn lại hai bản dịch ở trên. Rõ ràng, với bản Kim Đồng, chỉ với hai câu trở thành ba câu, các package mang tính định lượng do máy tính xử lý sẽ biến thiên hết cả lên, nhà nghiên cứu nhận được package sẽ rất khó xử lý tiếp ở giai đoạn “tinh luyện”. Hồi ấy tôi tìm được 4-5 bản dịch tiếng Việt khác nhau của Huck Finn. Bản gốc có 43 chương, các bản tiếng Việt tôi có lúc thì ba mấy, lúc thì bốn mấy chương không tài nào so sánh được. Không thể nhờ máy tính tìm được chương tương ứng của chương 5 bản gốc với bản dịch XY, lại phải căng mắt ra ngồi so và đồng thời, tôi không tài nào hiểu nổi tại sao các bản dịch lại phải cắt bớt hay thêm thắt ở-mức-độ-chương, để làm gì?
Về bản dịch Communist Manifesto
Một ví dụ khác, cụ thể hơn, về độ tin cậy của bản dịch, và tầm quan trọng của chữ “tín” trong dịch thuật đối với việc so sánh và nghiên cứu văn bản.
Một lần, tôi tìm bản dịch tiếng Việt được lưu hành chính thống của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản để xem một ý tưởng quan trọng của Marx và Engels được diễn đạt sang tiếng Việt như thế nào. Đó là câu dưới đây trong chương Một (tôi in đậm). Để tiện theo dõi, tôi đăng bản dịch tiếng Anh trước.
The bourgeoisie, wherever it has got the upper hand, has put an end to all feudal, patriarchal, idyllic relations. … All fixed, fast-frozen relations, with their train of ancient and venerable prejudices and opinions, are swept away, all new-formed ones become antiquated before they can ossify. All that is solid melts into air, all that is holy is profaned, and man is at last compelled to face with sober senses his real conditions of life, and his relations with his kind. (bản tiếng Anh)
“All that is solid melts into air” là một câu và một ý rất hay được trích dẫn trong tác phẩm. Những gì được lịch sử chứng thực, những gì thánh thiêng nhất, những mối quan hệ hằng hữu và các ý niệm bền chặt nhất, theo Marx và Engels, đã bị guồng máy tư bản chà đạp và bị giai cấp tư sản với trí tuệ mục ruỗng của chúng làm cho tan biến thành bọt xà phòng.
Đây là bản gốc tiếng Đức của câu nói trên:
Alles Ständische und Stehende verdampft, alles Heilige wird entweiht, und die Menschen sind endlich gezwungen, ihre Lebensstellung, ihre gegenseitigen Beziehungen mit nüchternen Augen anzusehen.
Ở câu dịch tiếng Anh, cấu trúc câu gốc gần như được giữ nguyên. Phần đầu của câu gốc dịch word by word là “Everything solid and standing evaporates.” Bản dịch tiếng Anh trúng, đủ ý, và đủ hay, thậm chí là rất hay.
Sau vài thao tác Google tôi tìm được bản mềm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, ấn bản năm 2021 của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.
Đây chưa phải là ấn bản mang đi in vì trang lót như sau
Nhưng đây có thể xem là ấn bản có lẽ là mới nhất của bản in chính thống, vì nội dung hoàn toàn khớp với bản mà NXB Chính trị Quốc gia in năm 2004 (có thể tải ở đây). Bản năm 2004 cũng là tái bản, vì thế có thể xem đây là bản có thẩm quyền nhất, đang được lưu hành, và đã được in đi in lại nhiều lần. Chẳng hạn, bản 2017 với bìa giống hệt, ở đây.
Đây là bản 2021, trang 82:
Đây là bản 2004, trang 80 (đều do tôi highlight):
Nội dung hoàn toàn khớp, đến cả cách dàn trang. Và chúng ta dễ thấy câu của Marx và Engels được dịch như sau: “Tất cả những gì mang tính đẳng cấp và trì trệ đều tiêu tan như mây khói.”
Về mặt soát lỗi chính tả, có một lỗi sai nghiêm trọng ở chỗ này: “trí tuệ” hay “trì trệ”? [Đây có phải lỗi chính tả hay không, và bản nào mới là bản đúng, vẫn còn là điểm tranh cãi, xem thêm cập nhật ở cuối bài.]
Bản dịch đăng trên trang marxists.org cho biết câu này đúng ra phải như sau:
Như vậy bản dịch chính thống nhầm giữa “trí tuệ” và “trì trệ”. Theo mạch lập luận thì phải là những gì “đẳng cấp” và “trí tuệ” chứ. Ít nhất là từ năm 2004 đến nay, chưa nhân viên đọc bông nào phát hiện ra điều này.
Về mặt ngữ nghĩa, câu dịch này hoàn toàn không đạt chữ “tín”. Bản tiếng Anh, tương đối chuẩn, dịch là “All that is solid melts into air, all that is holy is profaned, and man is at last compelled to face with sober senses his real conditions of life, and his relations with his kind.”
Không có ý nào thể hiện “đẳng cấp và trí tuệ” ở đây cả. Mà đúng ra: “Tất cả những gì rắn/chặt và đứng vững đều bay biến.” Lebensstellung không phải là “điều kiện sinh hoạt”, mà là chỗ đứng trong cuộc sống (position in life), là công ăn việc làm và cơ hội thăng tiến (cũng tức là cơ hội làm chủ cuộc đời). Một người biên tập đọc đến “điều kiện sinh hoạt” chắc hẳn phải cảm thấy trớt quớt chứ!
Quay lại điều tôi nói ở trên, bản dịch đủ độ tin cậy, chí ít là không thừa ý, không dôi thêm từ, không bẻ lái hay làm phức tạp thêm cấu trúc. Ấn bản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đang lưu hành có lẽ cần được đối chiếu nghiêm ngặt hơn với bản gốc. (Hoặc có thể ấn bản đầu tiên được dịch từ tiếng Nga hay tiếng Pháp, điều này tôi không rõ. Nhưng dầu sao, với tác phẩm quan trọng như vậy, tiến hành một bản dịch khác sang tiếng Việt cũng hoàn toàn không thừa.)
All that is solid melts into air
Để thấy tầm quan trọng của câu trên, tôi dẫn ra hai ví dụ.
Sau khi nhà văn Salman Rushdie bị tấn công bằng dao trong một buổi diễn thuyết ở Mỹ, tạp chí Granta đã cho đăng (miễn phí) bài tiểu luận “Is Nothing Sacred?” của tác giả. Đây là bài diễn thuyết nằm trong chuỗi “Herbert Read Memorial Lecture”, được Rushdie đọc vào tháng Hai năm 1990 ở Institute for Contemporary Arts, London, tức là chỉ vài tháng sau khi Rushdie bị lãnh tụ tối cao Ruhollah Khomeini của Iran gán lệnh trừng phạt fatwa.
Trong bài tiểu luận, Rushdie có nói:
This rejection of totalized explanations is the modern condition. And this is where the novel, the form created to discuss the fragmentation of truth, comes in. […] The elevation of the quest for the Grail over the Grail itself, the acceptance that all that is solid has melted into air, that reality and morality are not givens but imperfect human constructs, is the point from which fiction begins.
Nhà văn dẫn lại câu của Marx và Engels với ý nói, sự tan biến thành mây khói của những gì đứng vững và thường hằng là một lẽ-tất-nhiên của việc sản sinh ra tiểu thuyết. Tiểu thuyết hay tác phẩm hư cấu ra đời chính từ sự phản tư bức bối và bức thiết như vậy của người viết. Ý sau của câu, “all that is holy is profaned” lại càng khớp với ý tưởng Rushdie muốn truyền tải trong bài diễn thuyết, cũng như trong suốt sự nghiệp của ông. Không có gì thánh thiêng mà không thể nhắc tới, mà không thể được đặt vào trí tưởng tượng, mà không thể được viết về. Viết, bản thân hành động đó đã là phản. Phản là ý chí bức thiết của hư cấu và của trí sáng tạo.
Ví dụ thứ hai, đến từ triết gia Slavoj Žižek trong bài viết mới đây khi ông phê phán cái nhìn cực hữu thiếu nhất quán của Jordan Peterson (và ông phê phán cả phe nữ quyền cực tả, mà ông gọi là “the Woke left”.)
Câu “All That Is Solid Melts into Air” còn là nhan đề cuốn sách của Marshall Berman mà bất cứ ai học về hoàn cảnh hiện đại và hậu hiện đại đều ít nhiều phải đụng tới.
Tôi không có thời gian đối chiếu thêm. Nhưng ít nhất, điều thiệt thòi của những ai đọc The Communist Manifesto bằng tiếng Việt là đã không thể nắm bắt được ý tưởng chủ chốt của Marx và Engels khi tác giả nói “All that is solid melts into air”.
Cập nhật (30.08.2022)
Bạn Nguyễn Huy Hoàng đưa ra thông tin rất hữu ích, rằng bản tiếng Việt “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” dịch từ bản tiếng Nga. Bạn chỉ ra rằng từ “đẳng cấp” và “trì trệ” được dịch từ những từ tương ứng trong tiếng Nga. Dầu sao, theo tôi, dẫu cho từ “trì trệ” không phải sai chính tả thì câu dịch này cũng gây nên sự rối rắm về mặt logic. Nếu giai cấp tư sản đả phá những gì trì trệ thì chính đáng rồi, có gì phải phản bác!
Một bạn chụp lại bản in Sự thật 1986; câu này được dịch như sau: “Tất cả những cái gì là vững chắc, là lâu dài đều tiêu tan như mây khói.” Cách dịch này dễ hiểu hơn và không gây xung đột về logic.