Ở bài trước, bàn về những người được phỏng vấn trả lời thế nào trước câu hỏi (đại ý) bạn nghĩ sao về bình đẳng giới ở Việt Nam, tôi có nhắc đến một hiện tượng, là những người Việt trong clip đó có tâm lý “thảo mai khi lên sóng”:
Không biết đó có phải ý đồ đằng sau không, nhưng một điểm tôi rút ra từ clip là người Việt (qua những người được phỏng vấn): (1) có hiểu biết tương đối sơ sài về bình đẳng giới, (2) có cái nhìn ngây thơ về các hiện tượng xã hội, và (3) có cách trả lời khi “lên sóng” rất thảo mai (tức là đôn mọi thứ lên tích cực hơn nó vốn thế).
Cũng như ý đồ của tôi khi đặt tít cho bài viết trước là “Let’s be real…”, tôi nghĩ chúng ta cần nghĩ chậm lại trong thời đại của newsfeed, và tìm cách tiếp nhận hiện thực như là nó vốn thế, như là cách ta tiếp nhận nó bằng các giác quan. Chẳng hạn chạm vào vỏ quả óc chó ta cảm thấy gồ ghề, nhìn vào quả óc chó ta thấy, ừ nó đúng là giống óc con chó thật, vì thế ta chấp nhận cách gọi nó là quả óc chó, chứ không phải vì ta khiên cưỡng tuân theo cách người ta quy định nó.

Lên sóng, hay tác động của truyền thông
“Lên sóng” ở đây là bước vào thế giới theo cách mà người ta quy định. (Tôi không dùng từ “người khác”, vì chữ “người ta” thể hiện một dạng quyền lực ở cấp bậc cao và trịch thượng hơn.) Lên sóng có thể là lên một chương trình phát thanh hay podcast (không hình ảnh), một show trên truyền hình, YouTube (có hình ảnh), hay một trang báo, một bài in trong sách (có in “lời” ta nói).
Túm lại là có sự xuất hiện của một phương tiện truyền thông. Người đứng trước phương tiện truyền thông đó cũng được xem như đứng trước cái ngưỡng, mà đặt thêm một bước chân sẽ đưa họ sang một hiện thực khác, có thể đẹp hơn, hay méo mó hơn, được tăng cường hơn, bơm thổi hơn, nhưng tựu trung là sẽ khác với hiện thực cũ.
Nghĩa “truyền thông” của từ media khi sinh ra hẳn có liên hệ đến hiện tượng phản xạ trong vật lý: Khi một sóng tiến tới bề mặt tiếp xúc giữa hai môi trường, nó sẽ được phản xạ nếu bề mặt phẳng, bị khuếch tán nếu bề mặt gồ ghề, và xuyên qua được nếu môi trường bên kia trong suốt như nước, và tùy thuộc vào mức độ trong của môi trường đó mà sóng có thể tẽ theo các hướng khác nhau.
Nhưng khi đặt phương tiện truyền thông vào cuộc sống chúng-ta-đang-sống, tức là xét cả khía cạnh văn hóa/ chính trị/ xã hội, chứ không chỉ dựa vào một biến số như độ trong của nước, tôi coi chuyện “lên sóng” tương tự như hiện tượng diffraction (tạm dịch là “nhiễu xạ”) trong vật lý, tức là sóng di chuyển qua khe hẹp tạo có thể tạo ra sóng khuếch đại. [Chúng ta có thể lập luận rằng nhiễu xạ và giao thoa (interference) thực ra là một, tức đều là “chồng sóng”, nhưng hãy bàn đến trong một bài khác.]

Dùng sơ đồ trên đây, ta có thể hình dung dễ hơn về việc “lên sóng” trong thời đại số. Bề mặt tiếp xúc S1 có thể máy quay của VTV hay đơn giản là chiếc điện thoại có ghi hình của anh nhà báo—tuy chỉ có chức năng ghi hình nhưng bao hàm trong đó là các kỹ thuật chỉnh sửa, chèn phụ đề, hiệu ứng, etc. Ông S2 có thể một kênh YouTube, bao hàm trong đó là sự tương tác với người dùng và với các sản phẩm khác qua thuật toán của YouTube. Và sau đó, các ông S khác có thể là dòng chia sẻ hay dẫn link kèm bình luật trên Facebook hoặc Twitter. Và sau cùng ở F chờ đợi chúng ta là một ngọn sóng có sức phá hoại (hay chăm bón, tùy cách ta nghĩ) cao hơn hẳn ban đầu. Ta có thể liên hệ tới câu chuyện BN17 và thử nghĩ xem đời sống riêng của cô bị tàn phá đến mức độ nào. (Đọc thêm Mục 4 trong bài “Hai giai thoại cuối năm”.)
“Thảo mai khi lên sóng” là khi người được dí mic biết mình chuẩn bị bước ra công chúng theo một cách nào đó. Họ không nói với cái mic mà họ nói với một công chúng, giới độc giả hay khán thính giả họ hình dung. Họ sắp sửa trưng bày cái tôi và nội dung cái tôi của mình cho người khác biết và, hẳn nhiên, họ có dự cảm là mình không thể kiểm soát được sự biết đó. Có thể người ta đánh giá họ tốt hoặc xấu. Có thể họ không quan tâm đến sự đánh giá của người khác. Nhưng dù gì, họ vẫn phải “suy nghĩ bảy lần trước khi nói”. (Tôi nghĩ, phương tiện truyền thông được thiết kế để no filter và trung thực nhất bây giờ chính là podcast.)
Sự can thiệp của phương tiện truyền thông làm cho cách ta nói khác với cách ta nghĩ. Điều này dĩ nhiên tồn tại từ khi media ra đời, từ khi con người mới biết đến chuyện được “lên sóng”, dù cho đó là sóng radio, ti-vi hay tạp chí thời hiện đại. Suy cho cùng việc hai ứng cử viên tổng thống Mỹ lên tranh luận trên truyền hình cũng chỉ là một show về mặt hiệu ứng tương tự như Love Island. Việc người được phỏng vấn hay “lên sóng” phát ngôn thận trọng, kiệm lời, tiết chế hơn, hay đổi giọng một tí cho ra “podcast voice”, hay bận một bộ đồ cho ra màu, cũng là dễ hiểu.
Con voi ở trong phòng
Nhưng điều tôi muốn bàn đến ở đây là tại sao người ta lại phải “thảo mai”? Tại sao phải phát biểu là ở Việt Nam phụ nữ với đàn ông đã bình đẳng ghê lắm trong khi sự thật đơn giản là không phải vậy? (Một phép test đơn giản là nhìn vào các quán cà phê xem đàn ông hay phụ nữ ngồi tán gẫu nhiều hơn.) Lý do rất đơn giản: khi “lên sóng”, chúng ta không động chạm đến taboo (điều cấm kỵ).
Cấm kỵ nhìn ở mặt xã hội học thường liên quan tới những thứ thuộc tôn giáo (đụng đến tính thiêng) hoặc văn hóa (vi phạm thuần phong mỹ tục). Nhưng cấm kỵ ở xã hội hiện đại và đa văn hóa có thể mang nhiều màu sắc khác. Chẳng hạn, khi đi phỏng vấn xin việc, điều cấm kỵ là chê bai công ty cũ hay sếp cũ. Ngay cả khi cay cú vì bị đuổi việc thì cách nói sáng suốt nhất vẫn là “[công ty cũ] họ thay đổi cả ê kíp nên tôi rất tiếc phải ra đi dù môi trường làm việc khá là tốt”. Hay ở một số nước, sau một kỳ nghỉ vào làm lại, bắt chuyện với đồng nghiệp nữ lại bảo là: “Nghỉ lễ xong trông béo tốt ra nhờ!” Đó là điều cấm kỵ ở phương Tây nhưng lại là câu chào sau Tết rất phổ biến ở Việt Nam.
Cách hiểu taboo thời hiện đại rất gần với thành ngữ “an elephant in the room”: Có một con voi ở trong phòng nhưng ai cũng tránh né nói về nó. Không ai được phỏng vấn lại bảo là, tôi thấy ở Việt Nam chưa có bình đẳng giới. Vì nói như thế rất… không hay, rất thiếu nhạy cảm. Và việc tránh đụng tới những gì nhạy cảm rất gần với sự im lặng. Sự im lặng lại rất dễ dẫn tới hai thái cực (extreme): một là chối bỏ, và hai là lãng quên.
Chối bỏ là khi ta nhìn vào con phố chi chít quán cà phê và ken két người vào buổi sáng, phần đông khách ngồi ở đó là đàn ông, ta nói: Có gì là bất bình đẳng đâu! Vì phụ nữ không thích uống cà phê. (Ô hay, thế phụ nữ không thích ngồi uống trà và tán gẫu?) Vì phụ nữ không thích ngồi chỗ đông người. (Có thật không?) Vì phụ nữ buổi sáng bận làm những việc phù hợp với vai trò của họ. (Đánh thức con dậy, đưa con đi học, hay là chuẩn bị cơm?)
Bạn nào học xã hội học thử thông kê về tỉ lệ khách ngồi nam / nữ ở các phố cà phê như Hoàng Diệu 2 hay Dân Chủ (tôi có luôn map bên dưới) và liên hệ tới bình đẳng giới ở Thủ Đức xem sao.
Lãng quên là khi ta quên mất rằng trong đời sống thường ngày sẽ có những phụ nữ mang bầu. Phụ nữ mang bầu cần được dắt nhờ xe, cần được nghỉ đẻ (mà không ai có quyền cau có), cần được ăn đồ ăn chất lượng, cần được ưu tiên khi xếp hàng. Đôi khi ta chứng kiến một phụ nữ mang bầu gặp phải sự trì hoãn hay hạch sách vốn có thể là bình thường với một chàng thanh niên sức dài vai rộng nhưng ta quên rằng phụ nữ mang bầu cần được ưu tiên và trợ giúp.
“Thảo mai khi lên sóng” không phải một hiện tượng đặc thù ở Việt Nam (mặc dù nếu xem thời sự tối trên VTV ta có thể bắt gặp khá nhiều ca điển hình). Chắc các bạn cũng nghe thời sự ở Washington DC rồi. Tôi sẽ tổng kết bằng một dẫn chứng ở nước Mỹ. Dưới đây là một ví dụ trích từ cuốn Bullshit Jobs: A Theory (2018). Tác giả của nó, David Graeber là nhà nhân học, nhà hoạt động ủng hộ vô chính phủ từng tham gia lãnh đạo phong trào “Occupy Wall Street” giai đoạn đầu, mới mất hồi tháng Chín. Ông là một thiên tài. Tôi có đứa đồng nghiệp từng tha thiết vào học khoa nhân học ở trường Goldsmiths vì David Graeber đang dạy ở đó.
Tôi sẽ nói thêm về khái niệm “bullshit job” trong những bài tiếp theo về đời sống công sở. Đại ý, đó là những nghề bao hàm các tác vụ mà bản thân người làm nghề cũng phải công nhận là vô nghĩa. Song, guồng máy xã hội quy định chúng phải tồn tại như một thứ hoen gỉ. Chẳng hạn, nhân viên đặt lịch hẹn sự kiện. Hay là tư vấn thương hiệu, hay tư vấn đầu tư. Đó là những nghề mà một app nào đó hoàn toàn có thể thay thế và làm tốt hơn. Ta có thể xem đó là “tính thảo mai của cả hệ thống”.
Ở đây David Graeber kể việc ông tham gia một chiến dịch bất tuân dân sự với mục đích đóng cửa hệ thống giao thông công cộng ở Washington DC để phản đối một cuộc họp thượng đỉnh. Trong lúc dẫn dắt phong trào này ông bắt gặp nhiều người làm hành chính công bày tỏ sự chán ngán với công việc họ làm hiện tại. Nhưng cũng chính họ, khi được ê kíp truyền hình phỏng vấn sẽ không nói ra những gì họ thực sự cảm thấy, thay vào đó sẽ nói họ tiếc nuối thế nào khi công việc của mình bị ngắt quãng, thậm chí lên án những nhà hoạt động kia mặc dù trong lòng đồng tình với cái cause của phong trào trên.
Chính những điều cấm kỵ và sự im lặng thường ngày làm chúng ta tiếp nhận những gì tưởng như là hiện thực nhưng không phải hiện thực, khiến ta phải nghe và đôi khi nói thứ ngôn ngữ gượng ép và khô khốc như ma-nơ-canh, làm ta không thực sự lắng nghe những gì trực giác của mình mách bảo. Và sau cùng, cảm thấy chính ta bị đặt ra bên lề, bị tước mất cái cảm giác của người trong cuộc và chính tắc. Cái cảm giác bị người khác nói hộ. Như thể, bên lề không phải chỉ là họ, mà đôi khi là cả chúng ta.