1.
Trong bài “Vai trò của kể chuyện” tôi có nhắc đến các hình vẽ trong hang động: thủy tổ loài người vẽ những nét vẽ nguệch ngoạc, và đó là hình hài sơ khai nhất của kể chuyện. Kể là một cách giao thiệp; đối tượng của giao thiệp có thể người khác, cũng có thể là chính ta. Kể mà không phát ra lời, mà chỉ biên lên các bức tường đá, thường mang tính chất lưu giữ hơn là mong muốn phát tác ra lời ngay tức thời, ngay trực diện.
Dĩ nhiên, ở đây chúng ta có một thiên kiến với cách kể chuyện bằng hình của những người trong hang đá. Trong tay người hiện đại chúng ta chỉ sót lại chứng cứ về cách họ kể chuyện bằng hình; ta không thực sự rõ ngôn ngữ họ dùng thời ấy là gì; họ có phát ra những tiếng có giá trị tương đương như “ăn”, “ngủ”, “SOS”, “cứu với”, hay “áp dụng biện pháp ngăn chặn”, hay không? Thời đó chưa có máy thu thanh, cũng chưa có băng cát xét, nên việc nghe được tiếng họ là điều không thể. Đây là khiếm khuyết nói chung của ngành khảo cổ: chúng ta không nghe được tiếng.
Một thiên kiến nữa trong cách nhìn ngày nay là về giới. Người trong hang đá tiếng Anh là “caveman”, tiếng Pháp là “homme des cavernes”; người phương Tây khi đặt những cái tên đó đã giả định — áp đặt thì đúng hơn — các đối tượng đó là đàn ông; sẽ khó có thể hình dung ra được một “cavewoman” nào đó, vì những nhẽ giản đơn, nhưng cũng là giả định nốt: thời hoang dã đàn ông săn bắn còn phụ nữ hái lượm và trông con, nên để leo lên được hang đá, mà còn biết cầm gạch đá để vẽ nữa, hẳn phải là đàn ông to khỏe, lực lưỡng và có kinh nghiệm sử dụng gạch.
2.
Hang đá, hang động, hẽm vực, thạch nhũ, Sơn Đoòng, Tú Làn, etc. luôn là những điều gì đó bí ẩn. Ngay cả thời nay, muốn trực tiếp khám phá những bí ẩn đó, bạn cũng phải bỏ ra nhiều tiền. Các hang và rãnh ấy vốn dĩ trái với suy nghĩ sơ khai của chúng ta về thế giới bên ngoài. Thiên nhiên hùng vĩ và to lớn, phải đồ sộ như núi, phình ra như những tán cây, hoặc chảy cuồn cuộn như những con sông lớn. Thiên nhiên phải to bừng và sáng tỏ, nằm giữa thanh thiên bạch nhật. Thiên nhiên mà lõm vào, và xẻ ra, và đứt gãy, luôn ẩn chứa những điều nguy hiểm. Nếu chưa tin, mời bạn xem phim 127 Hours.
Hẽm sâu, rãnh vực và hang hốc luôn tối tăm vì điều kiện khách quan: ánh sáng mặt trời không với tới được. Tôi tự hỏi: khi những người trong hang đá bắt đầu phát hiện ra hang hốc, họ nghĩ gì? Đốt đuốc ở trong đó, họ cô đơn và depressed hay thực sự nghĩ nơi ấy là nhà. Nhìn vào ánh mắt nhau, họ có hiểu đối phương đang nghĩ gì không?, kiểu như:
Thôi anh ạ, về đi, em sợ!
Hay mình mần nhau không?
Em sợ người ta thấy.
Mình ở trong hang mà, sợ gì!
Nhưng mà, ở đây em không thoải mái.
Đoạn đối thoại trên là ta giả định hai người cùng vào một hang. Thế với một cá nhân đơn độc, họ có nhu cầu vào trong đó? Để đếm bi, để tránh thú dữ, để tránh tiếng càm ràm của người đàn bà bên đống lửa hay tiếng trẻ con khóc… Hay để vẽ nguệch ngoạc, để đếm số bằng những cành cây, để tự kể chuyện trong đầu, hay chỉ để ngồi thẩn thơ dưới ánh lửa bập bùng. Thời hoang dã, người ta có khối thời gian. Cũng như nhắm mắt lại, ta cũng có khối thời gian. Tự đối thoại với chính mình, thời gian không còn vận hành theo cách bình thường nữa.
Khi con người ta làm chủ được hang hốc và hẽm sâu, những nơi ấy trở thành chốn lý tưởng để tự thoại, để sắp xếp lại những dòng suy nghĩ, để xây dựng cốt truyện và các tuyến nhân vật. Để kể. Nghĩ theo cách đó, nó sẽ không khác mấy căn nhà gỗ để viết lách của Virginia Woolf

hay căn nhà heo hút (die Hütte) của Martin Heidegger ở Todtnauberg, Rừng Đen.

Suy cho cùng, người trong hang, Woolf, hay Heidegger đều chọn một nơi an trú, để ở yên đó và sắp xếp những dòng suy tưởng, và kết quả là hình thành nên cái chúng ta gọi là “chuyện”, được “kể”, dưới nhiều hình thức khác nhau.
3.
Nicole Krauss và Joshua Cohen là hai trong số những nhà văn Mỹ hiện đại mà tôi thích đọc nhất. Cả hai có điểm chung, là đều có gốc Do Thái. Joshua sống trong gia đình Orthodox ở New Jersey; còn Nicole thế hệ F2, thế hệ ông bà là người Do Thái di cư. (Tôi sẽ gọi những nhà văn mình thích bằng tên, còn những người khác, hay mấy ông bà cụ cổ điển, gọi bằng họ.) Trong cuộc nói chuyện giữa hai người họ về thế nào là tính Do Thái của người viết và tính Do Thái trong cách họ viết, Joshua chia sẻ:
I was ever a person who enjoyed shouting into the cave, more than I enjoyed the echo. Right. And maybe part of that was just innate to my personality, such as it is, maybe some of it was because I couldn't hear other voices so easily. But I think that there is something to be said of, you know, what is the utility of something questioned and, you know, so much of art and so much the process as, I don't know why I'm telling you everything, right now, right? But it's like, which is probably by the course of our relationship, but part of being a writer is getting over the question of utility — it's being able to be okay with the idea of a day where you spent all day staring at something but nothing was made and then it was somehow out of some of those days of staring at something and making nothing out of it, there's suddenly a book made of that those, you know, consecutive nothingness. [phút 13:05]
Tôi không có nhiều dữ kiện để chắp vá xem thử những người tối cổ trong hang đá đã bắt đầu quá trình vẽ tranh của họ như thế nào, họ làm việc ấy trong bao lâu, và cách thức từ việc họ xử lý thông tin đến hoàn thành “tác phẩm” ấy là như nào. Trong hình dung sơ sài của tôi, họ chính là những người viết đầu tiên trong lịch sử loài người.
What’s it like to be a writer?
Hay Paul Auster có viết một cuốn sách nhỏ Why write? (1995) hay một cuốn tự truyện cũng không dày lắm Winter journal (2011) để lý giải vì sao mình viết.
Mỗi người viết, đến một thời điểm, đều sẽ tự chất vấn vì sao mình viết và vì sao mình bắt đầu hành trình “gian truân” này. Tôi không biết người-hang-động có tự đặt cho mình câu hỏi đó, nhưng tôi hình dung — điều này khá là chắc chắn — họ cũng đã phải dành nhiều thời gian nhìn trân trân vào cái tường/vách hang động hoàn toàn không có gì. (Dĩ nhiên, “không có gì” là sản phẩm suy nghĩ của người hiện đại.) Họ thậm chí còn có nhiều thời gian nhìn trân trân vào bức tường hơn người hiện đại chúng ta. Họ biết làm gì khi không có tivi và laptop và Amazon Prime Day và Substack?
Như Joshua nói, làm một người viết là phải vượt qua sự tự chất vấn rằng viết để làm gì, viết để phục vụ gì, viết cho ai (utility). Điều này khá khớp với hoàn cảnh người-hang-động: họ là những người đầu tiên làm việc đó (theo di chỉ khảo cổ chúng ta có được). Tức là, họ thậm chí còn không cần suy tính đến việc thăm dò audience, xây dựng cốt truyện, và hoàn thành bản thảo. Việc duy nhất họ cần làm là “phóng” suy nghĩ của mình lên tường, với công cụ là một mẩu đá tiết ra màu sắc. Vậy, họ không phải là những người viết đầu tiên trong lịch sử loài người, thì là ai?
4.
Joshua bảo, tôi là người viết có ham muốn hét vào cái hang hơn là nghe tiếng từ trong hang vọng lại. Có lẽ, hoặc hẳn nhiên, Joshua đã và sẽ suy nghĩ rất nhiều về lịch sử và chỗ đứng của mình, một người viết. Nghe tiếng từ trong hang vọng lại nghĩa là đã có tiếng động từ bên trong của ai đó đến trước mình và không dễ gì cắt nghĩa tiếng động đó (“I couldn't hear other voices so easily”); và có tiếng họ nghĩa là một chuyện-kể đã xảy ra. Nhưng bất luận một chuyện-kể nào đã xảy ra, Joshua vẫn muốn đứng ở chỗ của mình và hét vào cái hang đó: tiếng hét là của anh, nội dung và âm lượng tiếng hét thuộc về anh, chỉ có cái hang với lòng sâu của nó và những người tới trước là ngoại cảnh.
Khi nghĩ tới hình ảnh cái hang, một lịch sử dài được co rút, thu giản lại thành một lịch sử ngắn — ngắn cỡ một cây kẹo dẻo Chupa Chups. Joshua và người-hang-động dường như là những người đương thời; những cái hang của họ dường như khá giống nhau: một khoảng không kín ở một đầu, một khoảng không mà người có thể vào và vẽ và hét và làm một số chuyện. Đâu nhất thiết đó phải là một hang năm 2022 và một hang 17.000 năm trước Thiên chúa. Đâu nhất thiết một hang phải ở Lascaux và hang còn lại ở New Jersey. Tức là, việc viết vượt trên lịch sử.
Lịch sử là gì, nếu nó còn không hằng hữu bằng cái hang? Những hang động trơ lì hàng chục nghìn năm vẫn thế, còn lịch sử có thể được nhào nặn, xê xích, lật qua lật lại để những mặt mình muốn thấy quay ra ngoài. Lịch sử là gì, nếu không phải chỉ là một con kiến? Một con kiến bò vào hang. Một con kiến bò ra ngoài. Chỉ có cái hang là trụ vững. Và những thế hệ người kể, kì diệu thay, vẫn có những thế hệ của những người nào đó: họ chỉ nhìn kiến bò và kể.