Phân biệt quá mức và phân biệt thiếu
Logic ngầm trong cách người Ấn-Âu cổ nhìn vào cây cối xung quanh họ
Tôi đã bàn sơ lược về phân loại học và cách gọi tên các động vật chân màng như hải cẩu, sư tử biển, hải mã. Bây giờ ta tạm chuyển qua các loài cây. Mục đích của tôi trong loạt bài này là muốn chỉ ra rằng những lời chê cụt lủn trong cách dịch từ vựng, thường là cắt cúp một câu trong một trang nào đó, thường không có nhiều tính chất đóng góp. Hoặc là những đề xuất trịch thượng kiểu từ này phải dịch thế này, từ kia thế kia, thường là để bày tỏ nhu cầu tỏ ra biết tuốt của người nói. Có rất nhiều hòa thượng “thích ho hắng”, chúng ta chỉ nên lặng lặng quan sát.
Vấn đề không phải là dịch đúng hay dịch sai, mà là tính đóng góp, là việc hợp tình hợp lý của lựa chọn đó trong tổng thể văn bản đang được nói đến. Nó chỉ là một từ thôi, người ta không nên vì thế mà đánh đổ công sức của người dịch cả một bài, một cuốn sách. Đồng thời, tuy chỉ là một từ thôi, nó có thể có ý nghĩa rất lớn, là cả một thế giới quan của cả người viết (trong ngôn ngữ nguồn) và người dịch (trong ngôn ngữ đích). Trong nhiều trường hợp, sự chỉ trích mất đi tính đóng góp khi nó đi xa về hai thái cực: phân biệt quá mức hoặc phân biệt thiếu.
Chẳng hạn, tôi từng thấy có người chỉ trích appetizer là “món đầu bữa” chứ không phải là “món điểm tâm”. Ok fine. Đó có thể là phân biệt quá mức khi hầu như không có ai người Việt dùng từ “món đầu bữa” trong lời nói hàng ngày. Thế nên khi “chơi mạng xã hội” (từ này đang hot), gặp nhân vật nào cao hứng chê viết dở/dịch dở/làm thơ dở thì tốt hơn hết ta nên né sang một bên và quan sát. Một trong những cách dễ dàng nhất để gaslight người viết, người dịch, nhà thơ là nói họ viết dở, dịch dở, làm thơ dở. Nhận thì chịu thôi chứ biết làm thế nào giờ, so đo thế nào là dở ư?
Trong ngữ hệ Ấn-Âu, có những loài cây được gọi bằng nhiều tên khác nhau ở từng vùng; và cũng có những tên gọi được gán cho nhiều loài cây khác nhau. Paul Friedrich, nhà ngôn ngữ học và nhân học Mỹ, gọi đó là hiện tượng “phân biệt quá mức” và “phân biệt thiếu”, hai khuynh hướng ngôn ngữ tưởng như mâu thuẫn nhưng lại song hành trong quá trình con người đặt tên cho thế giới thực vật. Ông có nhiều công trình truy nguyên những sai lệch, trùng hợp và logic ngầm trong cách người Ấn-Âu cổ nhìn vào cây cối xung quanh họ.
Trong cuốn sách Proto-Indo-European Trees: The Arboreal System of a Prehistoric People (1970), Paul Friedrich mở ra một cách tiếp cận liên ngành giữa từ nguyên học, ngữ âm học và phân loại thực vật học. Ông đề xuất một hệ phân tích ba tầng cho việc nghiên cứu tên gọi các loài cây trong các ngôn ngữ Ấn-Âu:
(1) tầng thực vật học (botanical), tức là phân loại các loài cây theo khoa học hiện đại (chi, họ, giống loài);
(2) tầng dân tộc học - thực vật học (ethnobotanical), phản ánh cách con người cổ đại cảm nhận, phân biệt cây cối dựa trên đặc điểm như hình dáng lá, độ cứng của gỗ, sự hiện diện của quả...; điều này thường thể hiện qua cách đặt tên gọi dân gian gắn với cảm quan như cây sáng, cây rắn, cây dẻo, cây thần…
(3) tầng ngôn ngữ hình thức (formal-linguistic): phân tích sự khác biệt ngữ âm và ngữ nghĩa của tên cây trong các nhánh ngôn ngữ Ấn-Âu, cũng như biến đổi từ gốc và sự mở rộng nghĩa sang các lĩnh vực như vũ khí, đồ dùng.
Lưu ý tầm quan trọng của tầng thứ 2: Đây là tầng trung gian phản ánh cách người cổ xưa phân biệt và sử dụng cây cối dựa trên cảm nhận văn hóa và kinh nghiệm sống, chứ không phải dựa vào phân loại khoa học hiện đại. Tầng này giải thích vì sao cùng một loài cây lại có nhiều tên khác nhau, hoặc cùng một tên lại được dùng cho nhiều cây khác nhau ở các vùng ngôn ngữ Ấn-Âu.
Một trong những quan sát nổi bật của Friedrich là hiện tượng phân biệt quá mức và phân biệt thiếu trong tên gọi cây cối của ngữ hệ Ấn-Âu. Có những loài cây được người Ấn-Âu cổ rõ ràng nhận diện nhưng lại có nhiều tên gọi khác nhau giữa các ngữ chi, chẳng hạn như từ acer (Latin) và ahurno- (German) cùng nghĩa “phong”, đối lập với klei- (Balto-Slav); đây là ví dụ cho sự “phân biệt quá mức”. Ngược lại, cũng có những từ giữ nguyên hình thức nhưng lại chỉ định nhiều loài khác nhau ở từng vùng ngôn ngữ, thể hiện hiện tượng “phân biệt thiếu”. Điều này, theo ông, phản ánh quá trình người Ấn-Âu cổ di cư từ thảo nguyên Pontus1 tới các quần thể sinh thái mới.
Ở trích đoạn trong sách dưới đây, Friedrich không dừng lại ở việc miêu tả mà còn tái cấu trúc một hệ từ nguyên sâu xa hơn: ông cho thấy nhiều tên gọi loài cây như “birch” hay “beech” có thể cùng bắt nguồn từ một gốc động từ cổ “bher” hoặc “bherə” trong ngôn ngữ Ấn-Âu nguyên thủy, mang nghĩa là “chiếu sáng” (mà từ đó ta có từ “bright”)2 Theo ông, điều này có liên quan đến đặc điểm chung của những loài cây này (vỏ sáng màu, dễ nhận biết từ xa trong rừng) và đó có thể là lý do người xưa đặt tên chúng theo ấn tượng thị giác này.

Đóng góp của Paul Friedrich nằm ở chỗ ông kết nối ba thế giới: cây cối trong tự nhiên, cây cối trong ý thức văn hóa - nghi lễ, và cây cối trong hệ thống ngữ âm học. Theo ông, chúng ta không nên xem cây cỏ như những mục đơn lẻ trong từ điển mà hãy xem chúng như những thực thể sống có lịch sử phân loại, lịch sử biểu tượng và lịch sử ngôn ngữ song hành.
Đoạn trích dưới đây (trang 88-92 trong sách Proto-Indo-European Trees) khảo sát nguồn gốc ngôn ngữ học và từ nguyên học của tên gọi cây đoạn (chi Đoạn, hayTilia) trong các ngôn ngữ Ấn-Âu và láng giềng, phân tích ba nhóm chính các từ đồng nguyên (cognates) từ tiếng Celtic, Germanic, Balto-Slavic, Latin và một phần của Hy Lạp và ngữ hệ Finno-Ugric. Qua phân tích phấn hoa, vai trò sinh thái và văn hóa của cây đoạn, cũng như các đặc tính vật lý như vỏ dính, gỗ mềm, bài viết lý giải sự hình thành các từ như lipa, lime, lind, lentus, llwyfen v.v., và đề xuất một gốc từ ngữ hệ Ấn-Âu nguyên thủy (Proto-Indo-European, từ đây gọi tắt là PIE)3 tái cấu trúc là *lenTā- có thể đã dùng để chỉ cây đoạn từ thời tiền sử.
Từ góc nhìn của Paul Friedrich, phân biệt quá mức và phân biệt thiếu trong việc đặt tên cây cối phản ánh sự căng thẳng giữa nhận thức sinh thái và quy ước văn hóa. Trong trường hợp phân biệt quá mức, có những loài cây được nhận biết rõ ràng trong các cộng đồng nói ngôn ngữ Ấn-Âu nhưng lại mang nhiều tên gọi khác biệt, có thể do các quy luật biến âm chưa được hiểu hết hoặc do các phân hệ ngôn ngữ phát triển biệt lập về địa lý. Ngược lại, trong trường hợp phân biệt thiếu, một từ đơn lẻ lại được dùng để gọi tên nhiều loài cây khác nhau; hiện tượng này thường xảy ra khi cộng đồng người di cư sang vùng sinh thái mới, phải áp dụng từ vựng cũ cho những loài cây tương đồng về hình thái hoặc công dụng. Cả hai hiện tượng cho thấy rằng, với Friedrich, việc phân loại cây là sản phẩm của quá trình tương tác giữa ngôn ngữ, môi trường và lịch sử di cư.
Bài viết dưới đây kết hợp dữ liệu thực vật học, khảo cổ học, và ngữ âm học lịch sử để truy nguyên tầng sâu tên gọi cây Đoạn trong văn hóa châu Âu. (Tôi vừa dịch vừa sửa, chỗ nào không ổn bạn cứ nhắn vào comment.)
Dù loài cây này từng phân bố rộng khắp trong thời kỳ khí hậu ấm (Đại Tây Dương và Subboreal), nhưng dấu vết từ vựng về nó trong ngôn ngữ Ấn-Âu nguyên thủy (PIE) lại mờ nhạt và phân tán. Bài viết phân tích ba nhóm từ đồng nguyên tiềm năng từ các nhánh ngôn ngữ khác nhau (Slav, Baltic, Germanic, Celt, Hy Lạp...) và cho thấy hiện tượng đặt tên cho cây đoạn vừa phân biệt quá mức (nhiều từ khác nhau cho cùng một loài cây), vừa phân biệt thiếu (một từ dùng cho nhiều loài khác nhau). Đặc điểm vỏ cây dính, gỗ mềm và công dụng trong nghi lễ được cho là yếu tố cốt lõi hình thành các tên gọi dân gian và từ cổ. Tác giả cho rằng cây đoạn là một trường hợp điển hình cho sự đứt gãy giữa phân loại thực vật học, nhận thức văn hóa và từ vựng lịch sử, nơi mà ngôn ngữ, biểu tượng và sinh thái học cổ giao nhau.
Ở trung tâm Berlin có con đường Unter den Linden, hay Đại lộ Dưới bóng cây đoạn, là trục giao thông lịch sử nối liền Cổng Brandenburg với đảo Bảo tàng (Museuminsel).
Cây Đoạn (Linden): *lenTā-, *leipā-, llwyfen (?)
Cây đoạn (linden hay lime tree) châu Âu thuộc cùng một chi (Tilia) với cây bass(wood) Mỹ, tức tên gọi sau này, bắt nguồn từ tiếng Anh cổ bæst, nghĩa là “vỏ sợi.” Khác thường ở chỗ, những lập luận thực vật học mạnh mẽ chứng minh sự hiện diện của chi này lại thường đi kèm với các lập luận ngôn ngữ học yếu hoặc không được chấp nhận rộng rãi.
Cây đoạn nổi bật nhờ lớp vỏ trong dính, có tính chất nhầy và nhiều sợi (gọi là “bast”) và loại gỗ mềm dễ chạm khắc. Chúng xuất hiện ở vùng Kavkaz và nước Nga châu Âu trong thời kỳ tiền Băng Hà (Preboreal, 10.000 năm trước), nếu không muốn nói là sớm hơn, và từng phân bố rộng khắp trong thời kỳ Đại Tây Dương (Atlantic period)4, khi phấn hoa của chúng chiếm tới 22% tổng số trong phổ phấn hoa tại một số địa điểm; phạm vi lan rộng đến tận sông Pechora ở phương bắc (Nejsthad 1957, tr. 328; cũng xem Frenzel). Tại Đức và Ba Lan, sự gia tăng số lượng bắt đầu muộn hơn đôi chút (vào giữa kỳ Đại Tây Dương), thường sau cây du và đôi khi sau cả cây sồi (Firbas 1949, tr. 178–9). Ở cả Trung và Đông Âu, Tilia suy giảm nhanh chóng vào cuối kỳ Đại Tây Dương và Subboreal5; dù hiện tượng này thường được lý giải là do sự cạnh tranh của các loài cây khác như vân sam, linh sam và dẻ gai (Firbas 1949, tr. 182), nhưng sự thoái lui của loài đoạn cũng có thể phản ánh việc con người, bao gồm cả những người nói ngôn ngữ Ấn-Âu, đã khai thác quá mức.
Tuy vậy, ngay cả trong thời kỳ Subboreal, loài đoạn vẫn hiện diện với số lượng đáng kể, và từ đó đến nay vẫn là một yếu tố quen thuộc và đặc trưng của cảnh quan châu Âu.
Có rất nhiều loài thuộc chi này. Trong khoảng 25 loài, hai loài nổi bật hơn cả. Quan trọng nhất là cây đoạn lá nhỏ (Tilia cordata, tiếng Đức gọi là Winterlinde), phân bố từ miền nam nước Anh xuống Địa Trung Hải phía bắc và trải dài về phía đông qua miền nam Scandinavia và Đức, tới tận trung Siberia, với tần suất rất cao và đôi khi tạo thành rừng trong vùng trung và bắc Nga. Dù vắng mặt ở miền đông Ukraine và phần lớn thảo nguyên Cossack (Walter 1954, tr. 161), đoạn lá nhỏ vẫn phát triển tốt ở vùng Kavkaz phía bắc và chiếm tới 52% số cây tại nước cộng hòa Bashkir (cả hai khu vực đều nằm trong hoặc gần vùng được cho là quê hương nguyên thủy của ngôn ngữ Ấn-Âu cổ).
Loài thứ hai quan trọng không kém là cây đoạn “lá to” (Tilia platyphyllos, tiếng Đức là Sommerlinde), có vùng phân bố phía nam hơn, kéo dài qua Tây và Trung Âu tới tận Hy Lạp và Crimea.
Tại miền bắc nước Nga, cây được nhắc đến là Tilia cordifolia, đứng sau cây đoạn lá nhỏ về mức độ phổ biến. Một số loài có phạm vi hẹp hơn phân bố tại khu vực trung lưu sông Dnepr (T. tomentosa), vùng Crimea và Kavkaz. Tilia dasystyla có mặt từ Tây Nam Âu đến Kavkaz và miền bắc Iran.
Phấn hoa cây đoạn có thể phát tán rất xa, tuy nhiên, mặc dù cây nở hoa khi lá đã phát triển đầy đủ, phấn không được tạo ra với số lượng lớn. Dầu vậy, phấn hoa dễ nhận dạng một cách chính xác và nhất quán, và có điểm đặc biệt là ít nhất hai loài, loài mùa đông và loài mùa hè, có thể được phân biệt rõ ràng bằng các kỹ thuật do Z. P. Gubonina phát triển.
Cây đoạn (tiếng Nga gọi là липа / lípa) có vai trò công nghệ và kinh tế rất lớn: gỗ mềm, thơm được ưa chuộng bởi các nghệ nhân chạm khắc; hoa có công dụng chữa bệnh và cho tinh dầu có thể dùng làm thực phẩm; sợi vỏ cây (tiếng Nga gọi là лыко / lýko, hoặc луб / lub) là vật liệu thiết yếu trong văn hóa vật chất của nông dân Đông Âu (đặc biệt là nhóm Slav Đông), những người dùng nó để làm giỏ, thảm, giày bằng sợi vỏ cây (mochló), v.v.
Cây đoạn còn mang nhiều ý nghĩa nghi lễ và siêu nhiên quan trọng trong thế giới quan của người Đức cổ và các dân tộc Ấn-Âu khác. Với các nhóm ngôn ngữ Finno-Ugric, đặc biệt là cư dân Nga châu Âu (nằm giữa hai vùng Ấn-Âu phía Đông và Tây), biểu tượng cây đoạn liên kết với nhiều yếu tố huyền bí: giày bằng sợi vỏ, dây thừng bằng sợi vỏ, dây cương cho ngựa hiến tế; thìa đoạn, kèn đoạn, và vỏ cây đoạn nhỏ máu từ các con vật hiến tế; các khu rừng đoạn; điều cấm kỵ liên quan đến việc gây tổn hại cây đoạn; và cuối cùng là những cây đoạn dùng trong lễ hiến tế, vượt trội hơn nhiều so với cây sồi và cây bạch dương trong vai trò tương tự.6
Với một thực tế phong phú đến như vậy trong không gian và thời gian liên quan, người ta có thể kỳ vọng vào một sự tương ứng ngôn ngữ trong ngữ hệ Ấn-Âu nguyên thủy (PIE). Tuy nhiên, điều này không xảy ra, dù đã có bốn nhóm bằng chứng được đưa ra.
Thứ nhất, từ Hy Lạp πτελέα (pteléa) có thể được vay mượn từ tiếng Latinh (tilia), và rõ ràng là nguồn gốc của từ Armenia t’eli (đọc thêm Hübschmann7); cả hai từ Hy Lạp và Armenia đều mang nghĩa là “cây du” (elm).
Thứ hai, nhóm từ đồng nguyên tiềm năng thứ hai xuất phát từ bốn nhánh ngôn ngữ (Hy Lạp, Celt, Baltic và Slav) sẽ được bàn tiếp theo.
Từ Hy Lạp ἀλίφαλος được Hesychius chú giải là γένος δρυός [loài sồi], nhưng Chantraine (1968, tr. 62) cho rằng đây là một chú giải sai đối với ἀλίφαλος, vốn có thể từng chỉ một loại sồi; tuy nhiên, cây sồi dĩ nhiên rất khác với cây đoạn, và do đó, địa vị hình thái học của từ đồng nguyên tiềm năng này là rất đáng nghi ngờ.
Các bằng chứng từ ngôn ngữ Celt thì đỡ gây nghi ngờ hơn nhiều. Các từ có thể đồng nguyên được rải rác trong các địa danh như Lēmo- và Līmo- (có gốc từ leimo-), cũng như trong tiếng Wales cổ trung đại với từ llwyfen, gần đây được liên hệ đến gốc Celt lemaria, vốn là nguồn gốc của tiếng Tây Ban Nha álamo, nghĩa là “cây dương”, “chi dương” (poplar) (Corominas 1955, tr. 120). Từ llwyfen trong tiếng Wales cổ này mang nghĩa “cây du” (elm) hoặc “cây đoạn” (linden), và có thể xuất phát từ một gốc động từ trong ngôn ngữ Ấn-Âu nguyên thủy (PIE) có nghĩa là “uốn cong” (ele-y-).
Tuy nhiên, nguồn gốc hay từ đồng nguyên có khả năng nhất là gốc Ấn-Âu phương Tây cho “cây du” (Ulmo-) đã được đề cập ở phần trước. Các thảo luận ngữ nguyên về cả “cây du” (Ulmo-) và “cây đoạn” (ví dụ: leipā- trong nhóm Balto-Slav) có xu hướng bao gồm cả từ llwyfen tiếng Wales, vốn có thể là kết quả của việc kết hợp hai tên cây trong PIE (Eric Hamp, theo trao đổi cá nhân của người viết). Điều này phù hợp với mối liên quan về mặt công nghệ [công cụ, kỹ thuật], cũng như mối liên quan về mặt khái niệm-thuật ngữ giữa cây đoạn và cây du, như cũng được thể hiện trong nhóm từ Hy Lạp pteléa. Dạng tiếng Wales này có lẽ là một trong những trường hợp hấp dẫn nhất trong số các biến thể của hệ thuật ngữ thực vật trong PIE. Các biến thể (reflex) ngôn ngữ Celt, nói một cách rộng hơn, có lẽ đã bị ảnh hưởng bởi thực tế là cây đoạn không tồn tại tại Scotland, Ireland và đảo Man.
Các dạng tiếng Celt khó giải thích và từ Hy Lạp ἀλίφαλος có thể cũng liên hệ đến các từ tiêu chuẩn trong nhóm ngôn ngữ Baltic để chỉ cây đoạn: tiếng Litva līepa, và tiếng Latvia liepa. Tập hợp từ Baltic mạnh mẽ này có thể dẫn ngược về một hình thái trong Proto-Baltic là leipā-. Cuny (1916, tr. 199) cho rằng các tương ứng giữa tiếng Baltic và tiếng Hy Lạp là “hoàn hảo”, vì trong nhiều trường hợp có sự xuất hiện của một nguyên âm phụ trước phụ âm /l/ trong các từ thuộc gốc Baltic. Tuy nhiên, Fraenkel (1962, tr. 366), với lợi thế của nghiên cứu mới hơn, khẳng định dứt khoát rằng tiếng Hy Lạp và tiếng Wales “nicht mit līepa zu tun” – “không liên quan gì đến līepa.”
Các từ ngữ Baltic là từ đồng nguyên với từ Slav chung lipa, nghĩa là “cây đoạn,” và có biến thể trong mười một ngôn ngữ con cháu, bao gồm tiếng Ukraina lypa và tiếng Serbia-Croatia lipa, đều có nghĩa là “cây đoạn,” cũng như tiếng Polabian leipó, nghĩa là “vỏ cây đoạn” (Berneker 1908–13, I: 723). Các dạng từ tiếng Slav và tiếng Baltic bắt nguồn từ một dạng gốc Balto-Slav là leipā-, và dạng này có thể lại được phát triển từ một cấu trúc vr̥ddhi8 hình thành từ danh từ leipo- hoặc từ động từ leip-, nghĩa là “phết mỡ, bám dính, dính vào.” Chính động từ này, qua một hình thái vr̥ddhi nguyên sơ, bắt nguồn từ gốc PIE leyp- có nghĩa là “dính, trơn, nhầy, để phết lên” và tương tự như vậy; điều này cũng được phản ánh trong tiếng Phạn limpáti, tiếng Litva limpù-, tiếng Hy Lạp λίπα, tiếng Nga lípkij, v.v.
Bởi vì lớp vỏ dính của cây đoạn rất quan trọng về mặt công nghệ, nên trong tiếng Ấn-Âu nguyên thủy (PIE) có thể cây đoạn từng được gọi là “cái thứ dính” hoặc thậm chí là “cây du dính” (so sánh với tiếng Anh Mỹ slippery elm, tức “cây du trơn trượt”), sau đó tính từ miêu tả này tồn tại như tên gọi của cây, thường là dưới dạng bị biến âm.
Thật vậy, có một trường hợp được biết rõ trong lịch sử về sự thay đổi tên gọi của cây đoạn, khi dạng từ tổ hợp [tính từ + danh từ “cây”] bị rút gọn thành chỉ còn tính từ để gọi tên cây. Ví dụ: từ tiếng Anh cổ bæst trēow (nghĩa là “cây vỏ sợi”) đã biến đổi thành từ tiếng Anh hiện đại basswood (gỗ đoạn); còn trong tiếng Anh Mỹ thông dụng thì chỉ còn là bass — từ này không trở thành chuẩn mực, có lẽ vì trùng với tên của một loài cá trong cùng vùng phương ngữ.
Cây đoạn, hay cây đoạn Mỹ (basswood), cùng họ với cây hornbeam và ironwood, là những loài cây thường được đặt tên dựa trên đặc tính nổi bật của gỗ chúng.
Tổng kết phần trên, nhóm từ đồng nguyên thứ hai liên quan đến cây đoạn bao gồm: một từ Hy Lạp khó khả tín là ἀλίφαλος, từ tiếng Wales bí ẩn llwyfen, và nhóm từ gốc Balto-Slav mạnh mẽ leipā-.
Chúng ta hãy chuyển sang nhóm thứ ba của các từ đồng nguyên tiềm năng. Một nguồn gốc Germanic dường như là nền tảng cho nhóm từ có nghĩa là “cây đoạn,” bao gồm: tiếng Đức cổ cao linta, tiếng Iceland cổ lind, và có thể cả từ tiếng Anh lime (với chữ m là kết quả của hiện tượng đồng hóa âm thanh). Vì gỗ đoạn thường được ưa chuộng để chạm khắc, nên nhóm từ này cũng liên kết với một nhóm khác mang nghĩa là “mềm dẻo,” như trong tiếng Saxon cổ līthi và tiếng Anh hiện đại lithe; cũng như mang nghĩa “dịu dàng, mềm,” như trong tiếng Đức cổ cao [Old High German] lindi, và tiếng Đức hiện đại lind, lindern; tiếng Đan Mạch lind có nghĩa là vừa “mềm dẻo” vừa “mềm mại.”
Cả hai nhóm từ Germanic này sau đó đều được liên kết với từ Latin lentus, nghĩa là “mềm, chậm, nhưng cũng dính, ẩm”, tức là bao gồm hầu hết các đặc tính tiêu biểu của cây đoạn (Marchant và Charles 1955, tr. 315). Các dạng Germanic và Latin cho cây đoạn cùng với các đặc tính thiết yếu của nó còn được liên hệ với một nhóm từ trong tiếng Slav, bao gồm: tiếng Nga trong văn học lúto, nghĩa là “vỏ cây đoạn”; lutókha, “cây đoạn non đã bị lột vỏ”; và lutjé, “cây đoạn non sắp được lột vỏ,” cùng các từ tương ứng trong tiếng Ukraina, tiếng Belarus, tiếng Ba Lan, có thể cả tiếng Séc, và một từ cổ Slav trong tiếng Nga là lutovjanij, nghĩa là “được cắt ra từ gỗ” (xem Preobrazhensky; Vasmer; Fraenkel); những định danh này tập trung vào cây đoạn theo cách rất thú vị, dù vẫn chưa lý giải được vì sao âm n lại biến mất.
Nhóm thứ ba trong chuỗi từ nguyên, tiếng Litva, đưa ra từ lentù, nghĩa là “tấm ván,” cụ thể là gỗ của cây đoạn (theo một nguồn dẫn trong Preobrazhensky); lė́tuas, nghĩa là “yên tĩnh, thanh bình,” mặc dù đôi khi được cho là bắt nguồn từ tiếng Ba Lan thông qua từ Latin lentus, theo Fraenkel. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tiếng Albania có từ lëndë, nghĩa là “gỗ, vật liệu,” được suy ra từ một dạng cổ hơn là lentā hoặc lendā (xem Mann 1941, tr. 20); âm n còn sót lại cho thấy có thể bắt nguồn từ một phụ âm d trong PIE.
Các dạng Baltic và Slav có thể cũng liên quan đến từ élāton trong tiếng Hy Lạp, đã được đề cập ở phần trên khi nói về “cây bách tuyết” (cedar-juniper), hoặc thậm chí liên hệ với từ trong nhóm ngôn ngữ Finno-Ugric là lud, nghĩa là “rừng thiêng” (sacred grove) (Holmberg 1927, tr. 143, 146), cũng như các dạng từ Slav và Germanic cho thấy có sự tương ứng nhất định với từ llwyfen trong tiếng Wales.
Chúng ta hãy tổng kết nhóm thứ ba của các từ đồng nguyên. Chúng xuất phát từ tổng cộng năm hệ từ, một số trong đó không liền kề nhau về mặt địa lý. Tất cả đều bắt đầu bằng phụ âm l-, và tất cả (trừ hệ Slav) đều có một âm mũi n theo sau bởi một phụ âm tắc đầu lưỡi nào đó (như t). Hệ Slav chỉ cho thấy âm t; trong toàn bộ chuỗi bằng chứng, mức độ ủng hộ và phản đối việc âm này có phải là âm hữu thanh hay không là tương đương nhau.
Các tương ứng về nguyên âm gốc thật ấn tượng, bởi vì trong tiếng Latin, tiếng Litva (và cả tiếng Albania?) âm e ngắn và trong tiếng Germanic âm i đều là những phản xạ thường thấy của âm e ngắn trong ngôn ngữ Ấn-Âu nguyên thủy (theo Meillet 1937, tr. 100). Tôi cho rằng có tồn tại một hình vị PIE với dạng *lenTā-, mang nghĩa liên quan đến chi Tilia (chủ yếu là T. cordata) và khái quát hơn là biểu trưng cho các tính chất điển hình của cây đoạn. Phần lớn các từ đồng nguyên này đều được liệt kê trong các từ điển từ nguyên học uy tín như của Vasmer, Kluge, và Pokorny, trong đó có mục từ lenta (1959, tr. 677).
Thảo nguyên Pontus hay còn gọi là thảo nguyên Pontic-Caspian là vùng đồng cỏ rộng lớn trải dài từ phía bắc Biển Đen đến phía bắc Biển Caspi, thuộc lãnh thổ các nước Ukraina, Nga và Kazakhstan ngày nay. Đây được xem là quê hương nguyên thủy của người Ấn-Âu cổ, nơi khởi phát của ngôn ngữ Proto-Indo-European và văn hóa du mục đầu tiên dùng xe ngựa.
Ta còn có berhtaz (Proto-Germanic) là tính từ, nghĩa là “sáng, rực rỡ, nổi bật.” Từ này đã tạo ra nhiều từ con cháu như (1) tiếng Anh cổ: beorht → tiếng Anh hiện đại: bright; (2) High German cổ: beraht → thường thấy trong tên riêng như Berthold, Bertram (đại ý là “nổi bật vì sáng chói”.)
High German ở đây chỉ vùng địa lý cao hơn (núi, cao nguyên miền nam Đức), để phân biệt với Low German (vùng đồng bằng phía bắc). [Các chú thích là của người dịch.]
Proto-Indo-European (PIE) hay ngữ hệ Ấn-Âu nguyên thủy là ngôn ngữ giả định được các nhà ngôn ngữ học tái dựng, được cho là tổ tiên chung của toàn bộ các ngôn ngữ trong ngữ hệ Ấn-Âu ngày nay, có thể bao gồm:
Nhóm Germanic: tiếng Anh, Đức, Hà Lan…
Nhóm Romance: tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Romania (cùng xuất phát từ Latin)
Nhóm Slavic: Nga, Ba Lan, Séc, Serbia…
Nhóm Indo-Iranian: tiếng Phạn, Hindi, Ba Tư…
Nhóm Celtic, Baltic, Hy Lạp, Armenia, Albanian…
Thời kỳ Đại Tây Dương (Atlantic period), kéo dài khoảng từ 8.000 đến 5.000 năm trước Công nguyên, là giai đoạn ấm và ẩm nhất trong kỷ Toàn Tân (Holocene) ở châu Âu. Đôi khi được gọi là “giai đoạn khí hậu tối ưu” vì điều kiện sống thuận lợi cho sự phát triển của cả thực vật lẫn các cộng đồng người săn bắt-hái lượm chuyển sang nông nghiệp.
Subboreal diễn ra ngay sau thời kỳ Đại Tây Dương (Atlantic), kéo dài khoảng từ 5.000 đến 2.500 năm trước Công nguyên.
Trong hệ thống tín ngưỡng cổ, cây đoạn thường giữ vai trò trung gian kết nối con người với thần linh hoặc linh hồn tổ tiên. Sự "hiến tế cây" thể hiện niềm tin rằng các linh hồn trú ngụ trong cây, và việc chọn cây đoạn là bằng chứng cho vị trí đặc biệt của nó trong tâm thức tập thể.
Heinrich Hübschmann là nhà ngôn ngữ học người Đức thế kỷ 19, nổi tiếng với công trình phân tích ngữ hệ Ấn-Âu và ngôn ngữ Armenia. Trong nghiên cứu của ông, t’eli được xem là dẫn xuất có nguồn gốc từ một hình thức gốc cổ liên hệ với Tilia hoặc Ulmus.
Cấu trúc vr̥ddhi là một hiện tượng hình thái học (morphological process) trong ngôn ngữ Ấn-Âu, đặc biệt phổ biến trong tiếng Phạn (Sanskrit), dùng để hình thành danh từ từ gốc động từ hoặc từ khác bằng cách mở rộng âm tiết đầu của từ gốc, thường thông qua việc thay đổi nguyên âm ngắn thành nguyên âm dài hoặc nguyên âm kép. Ví dụ, từ gốc lip- (“dính”) có thể trở thành leip- hoặc laip- trong dạng vr̥ddhi, mang nghĩa “liên quan đến việc dính”, và có thể được dùng để tạo thành danh từ như tên loài cây có đặc tính “dính”. Đây là một công cụ từ nguyên học quan trọng để giải thích sự hình thành của nhiều từ cổ trong hệ ngôn ngữ Ấn-Âu.