Sau khi Donald Trump tái đắc cử Tổng thống vào tháng Giêng năm 2025, các biểu tượng và diễn ngôn gợi nhắc đến các luồng tư tưởng độc tài đã liên tục xuất hiện, từ cử chỉ tay gây tranh cãi của Elon Musk đến những lời kêu gọi “tái sinh nước Mỹ” theo phong cách MAGA. Liệu đây có phải là sự trỗi dậy của một hình thức chủ nghĩa phát xít mới, hay chỉ là một mô hình dân chủ phi tự do được khoác vỏ bọc hiện đại? Hai nhà sử học Marc Lazar và Olivier Burtin đưa ra một số quan điểm đối lập, mở ra cuộc tranh luận về bản chất của hiện tượng này. Trong bài phỏng vấn dưới đây, các lập luận được cập nhật cho thấy việc gắn nhãn “Trumpism” là chủ nghĩa phát xít có thể là chưa đủ cơ sở vững chắc hoặc chưa tới lúc.
Chủ nghĩa Trump có phải là một hình thức phát xít?
Hai nhà sử học, một chuyên về Ý thời Mussolini, một chuyên về xã hội Mỹ, tranh luận về bản chất chế độ Trump: làn sóng cực hữu mới hay sự trở lại của chủ nghĩa phát xít?
Thực hiện: Marion Dupont (Nhật báo Le Monde số 03.05.2025); bản tiếng Anh tại đây
Chuyên gia về nước Ý dưới thời Benito Mussolini, Marc Lazar cho rằng tổng thống Mỹ đang thiết lập một nền dân chủ phi tự do, chứ chưa phải là một chủ nghĩa phát xít đúng nghĩa. Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu lịch sử và văn minh Mỹ Olivier Burtin, những điểm tương đồng giữa chủ nghĩa Trump và chủ nghĩa phát xít lại nhiều hơn những điểm khác biệt.
Vài giờ sau lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai của Donald Trump vào ngày 20 tháng Một, Elon Musk, người ủng hộ nhiệt thành tân Tổng thống Mỹ và cố vấn đứng đầu DOGE (Bộ Hiệu quả Chính phủ), đã đập tay phải vào ngực trái, rồi hai lần giơ cánh tay ra trước, lòng bàn tay mở, trước ống kính của giới truyền thông toàn cầu. Cử chỉ ấy, với nét tương đồng rõ rệt với kiểu chào phát xít từng được các chế độ của Benito Mussolini và Adolf Hitler sử dụng như một dấu hiệu nhận diện và tuyên thệ trung thành, đã lập tức làm dấy lên làn sóng suy đoán về mức độ gắn bó giữa Trump cùng phong trào MAGA (“Make America Great Again”, hay “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”) với ý hệ phát xít.
Một tháng sau đó, Steve Bannon, cựu cố vấn của Trump và gương mặt tiêu biểu của giới cực hữu Mỹ, cũng lặp lại cử chỉ này tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (Conservative Political Action Conference). Vấn đề này, với nhiều tầng nghĩa, từ lâu đã làm sôi động cả giới truyền thông chính trị lẫn các diễn đàn học thuật kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của tỷ phú Trump. Ngày càng có nhiều người không ngần ngại gọi chính sách của tổng thống mới là “phát xít”, trong đó có cả John Kelly, cựu chánh văn phòng Nhà Trắng, và nhà sử học người Mỹ Ruth Ben-Ghiat.1 Tuy nhiên, tính xác đáng của nhãn mác đó vẫn là đề tài gây tranh cãi gay gắt.
Để làm sáng tỏ cuộc tranh luận này, hai nhà nghiên cứu đã tham gia buổi đối thoại song song do Le Monde thực hiện. Olivier Burtin là giảng viên ngành văn minh Mỹ tại Đại học Picardie Jules-Verne, chuyên nghiên cứu vai trò của phong trào cực hữu trong xã hội Mỹ. Marc Lazar là giáo sư danh dự ngành lịch sử và xã hội học chính trị tại Sciences Po, đồng thời là chủ nhiệm Khoa Quan hệ Pháp–Ý ở châu Âu tại Đại học Tự do Quốc tế về Nghiên cứu Xã hội (Free International University of Social Studies), Rome.
Các nhà sử học định nghĩa chủ nghĩa phát xít như thế nào?
Marc Lazar: Định nghĩa chủ nghĩa phát xít từ lâu đã là đề tài gây tranh cãi, vì ngay từ đầu nó không phải một hệ tư tưởng mà là một phong trào. “Các Đoàn chiến đấu Fasci” của Ý,2 được Benito Mussolini thành lập năm 1919. Nó ra đời trong bối cảnh quần chúng bắt đầu ồ ạt tham gia chính trị ở Ý đầu thế kỷ XX và thể hiện dưới dạng phản kháng hai hệ tư tưởng lớn đang chi phối không gian chính trị lúc bấy giờ: một bên là chủ nghĩa tự do, bên kia là phong trào công nhân trong các biến thể xã hội chủ nghĩa và cộng sản.
Chủ nghĩa phát xít cũng (đặc biệt) là kết quả của Thế chiến Thứ nhất: cường độ khốc liệt của các trận chiến khiến nhiều thanh niên quen với hành vi giết người, đồng thời thúc đẩy sự lan rộng của một thứ nam tính hung hăng, được cường điệu hóa. Sau chiến tranh, họ trở về nước với khát vọng làm thay đổi tận gốc bộ mặt chính trị, kể cả bằng bạo lực nếu cần. Tổ chức xung quanh một nhà lãnh đạo duy nhất, phong trào này trở thành một đảng vũ trang, dựa vào các biểu tượng dân tộc chủ nghĩa và đặc biệt là một hệ thống huyền thoại xem các điều khoản trong Hiệp ước Versailles (ngày 28 tháng Sáu năm 1919) là bất công và biến chiến thắng của Ý thành một “chiến thắng bị cắt xén”.3
Khi lên nắm quyền vào tháng Mười năm 1922, Mussolini và phong trào của ông đã biến đổi thành thực thể khác: một chế độ phát xít, thiết lập đảng trị và chế độ độc tài với tham vọng nhanh chóng tạo ra một lớp “con người mới” thông qua việc kiểm soát toàn diện xã hội. Chủ nghĩa phát xít, vốn dĩ một hiện tượng chính trị phức tạp, kết hợp các yếu tố bảo thủ và cách mạng, vì nó mong muốn làm đảo lộn các hình thức hành xử truyền thống.
Vậy khái niệm này có thể được mở rộng ra các thời kỳ và phong trào chính trị khác hay không?
Marc Lazar: Trong giới học thuật, có hai trường phái đối lập nhau. Trường phái thứ nhất được gọi là “hạn định” (restrictive), đại diện tiêu biểu là nhà sử học Ý Emilio Gentile và nhiều học giả Pháp, cho rằng chủ nghĩa phát xít bắt đầu từ năm 1919 và kết thúc năm 1945, và chỉ có thể áp dụng cho các chế độ phát xít Ý và Đức trong giai đoạn đó mà thôi.
Trường phái thứ hai, được gọi là “dạng mẫu” hay “loại hình” (générique), do các nhà sử học Anh và Mỹ như Roger Griffin, Robert Paxton,4 George Mosse hay Stanley Payne đại diện, cho rằng khái niệm phát xít có thể áp dụng cho các phong trào và chế độ chính trị khác nếu có các đặc điểm chung như: niềm tin vào sự suy tàn của xã hội hiện tại, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và xu hướng sử dụng bạo lực. Những người theo trường phái này tuy không hoàn toàn đồng thuận với nhau (có người xem Hungary dưới thời Đô đốc Miklós Horthy hay phong trào Falange ở Tây Ban Nha là phát xít, có người thì không5) nhưng nhiều người trong số họ có khuynh hướng gắn chủ nghĩa Peron ở Argentina với phát xít, và gần như tất cả đều công nhận rằng đã từng có các phong trào phát xít ở Argentina.
Và đây không chỉ là câu hỏi dành riêng cho giới sử học: các trí thức cũng đã góp phần mở rộng việc sử dụng nhãn “phát xít” ra ngoài bối cảnh nước Ý 1919–1945. Ví dụ, nhà văn Ý Pier Paolo Pasolini từng khẳng định trong Tạp ghi cướp biển (Scritti corsari, Flammarion, 1976)6 rằng xã hội tiêu dùng là một hình thức phát xít vì khả năng đồng hóa và đồng nhất hóa con người của nó. Tương tự, triết gia Umberto Eco vào năm 1995 đã đề xuất khái niệm “ur-fascisme” hay “chủ nghĩa phát xít vĩnh cửu” với một danh sách các đặc điểm nhận diện.7
Cuối cùng, việc sử dụng thuật ngữ này còn lan rộng hơn nữa thông qua công cụ chính trị của chủ nghĩa phản-phát xít, vốn dùng nhãn “phát xít” để vô hiệu hóa toàn bộ phe hữu: năm 1958, chẳng hạn, khi tướng De Gaulle trở lại nắm quyền ở Pháp, phe cánh tả đã xuống đường hô khẩu hiệu: “Chủ nghĩa phát xít sẽ không giành thắng lợi!” (Le fascisme ne passera pas!).
Liệu cách tiếp cận “dạng mẫu” về chủ nghĩa phát xít có cho phép các nhà sử học áp dụng khái niệm này vào bối cảnh Hoa Kỳ không?
Olivier Burtin: Mặc dù khái niệm “chủ nghĩa phát xít dạng mẫu” (fascisme générique) đã được áp dụng cho một số trường hợp ở châu Á và Mỹ Latin, giới sử học Hoa Kỳ từ lâu vẫn giữ khoảng cách với hướng tiếp cận này. Tuy nhiên, sự kiện Donald Trump lên nắm quyền vào năm 2017 đã làm thay đổi cục diện: nhiều sử gia bắt đầu vượt qua sự dè dặt và nghiêm túc xem xét khả năng tồn tại một truyền thống phát xít ngay trong lòng nước Mỹ.
Giờ đây, các nhà sử học thừa nhận, nước Mỹ từng có nhiều đại diện tiêu biểu cho truyền thống này. Ngay trong giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, những nhân vật như William Dudley Pelley, lãnh đạo lực lượng bán vũ trang mang tên “Quân đoàn Bạc” (Silver Legion), đã cổ xúy cho chủ nghĩa dân tộc, chống cộng và bài Do Thái một cách cực đoan. Truyền thống đó không chấm dứt với Thế chiến Thứ hai: năm 1959, George Lincoln Rockwell thành lập Đảng Quốc xã Hoa Kỳ (American Nazi Party), lấy biểu tượng chữ thập ngoặc làm huy hiệu và sử dụng kiểu chào Sieg Heil (tức “Chào thắng lợi”), ông cũng chính là người khởi xướng khẩu hiệu “White Power” (Quyền lực Da trắng).
Trong những năm 1970–1980, chính trường Mỹ xuất hiện một nhân vật như David Duke: từng là thành viên một đảng tân Quốc xã khi còn là sinh viên, sau đó ông chuyển sang tham gia Ku Klux Klan và trở thành gương mặt nổi bật nhất của phe cực hữu Mỹ thời kỳ đó, thậm chí còn giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử ở bang Louisiana.
Cũng cần nhắc đến hiện tượng được gọi là “alt-right” (viết tắt của Alternative Right, tức “cánh hữu thay thế”), xuất hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên của Donald Trump. Trong thập niên 2010, đây là một tập hợp lỏng lẻo bao gồm những người phủ nhận sự thật lịch sử, các podcaster cực đoan và những nhóm dân quân thuộc phe cực hữu. Trong nội bộ phong trào này đã hình thành một hệ tư tưởng có mối liên hệ công khai với chủ nghĩa phát xít. Dù không đại diện cho toàn bộ phe cực hữu ở Mỹ, ảnh hưởng của truyền thống phát xít đối với đời sống chính trị nước này là không thể phủ nhận: nó đã tạo ra những khẩu hiệu và thông điệp có sức vang dội vượt xa phạm vi của nhóm ủng hộ cốt lõi.
Trong nhiệm kỳ đầu của Trump, phần lớn giới học thuật và truyền thông cho rằng, không thể gọi Trump phát xít. Tại sao vậy?
Olivier Burtin: Trước hết là vì lo ngại rằng việc sử dụng thuật ngữ “phát xít” sẽ đồng nghĩa với việc gắn vị tổng thống này với một truyền thống ngoại lai, từ đó làm lu mờ những gốc rễ đậm chất Mỹ của hiện tượng Trump và vô tình “tha thứ” cho nước Mỹ. Nhiều người quan sát cũng cho rằng từ này không giúp nắm bắt được những nét đặc thù và tính mới mẻ của chủ nghĩa Trump, chẳng hạn, việc nó lan truyền chủ yếu qua mạng xã hội. Cuối cùng, vì thuật ngữ “phát xít” đã bị lạm dụng bởi cả cánh tả lẫn cánh hữu trong các cuộc tranh luận chính trị, nên một số chuyên gia coi nó là không thích hợp cho phân tích học thuật nghiêm ngặt và đề xuất loại bỏ nó khỏi công cụ khái niệm.
Tuy nhiên, theo thời gian, số người phản đối việc dùng từ “phát xít” để mô tả chủ nghĩa Trump ngày càng ít đi. Vụ tấn công vào Điện Capitol ngày 6 tháng Giêng năm 2021 đã cho thấy rõ ràng rằng tổng thống Mỹ sẵn sàng, nếu cần, sử dụng bạo lực chính trị để đảo ngược kết quả của một cuộc bầu cử dân chủ hợp pháp. Ngày hôm đó trở thành một bước ngoặt quan trọng: nó khiến nhiều nhà quan sát ở Mỹ thay đổi quan điểm và công nhận tính chính đáng của thuật ngữ “phát xít”. Ngay cả nhà sử học uy tín về chủ nghĩa phát xít Robert Paxton, người trước đó vẫn từ chối sử dụng khái niệm cho Trump, cũng đã thay đổi lập trường.
Kể từ khi Trump tái đắc cử và trở lại nắm quyền vào tháng Giêng, sự lấn cấn này lại được đặt ra. Theo ông, những thay đổi nào khiến việc xem xét lại thuật ngữ “phát xít” trở nên cần thiết?
O. B.: Trump hiện nay không còn là Trump của năm 2015–2016 nữa: ông ta đã trở nên cực đoan hơn. Sự chuyển dịch này về phía hữu có thể nhận thấy rất rõ trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2024.
Trong nhiệm kỳ đầu, Trump bị cản trở bởi nhiều yếu tố: sự thiếu kinh nghiệm trong chính phủ; sự hiện diện của những nhân vật đóng vai trò “chốt chặn” trong nội bộ; sự phản kháng từ giới cựu trào trong Đảng Cộng hòa; và việc thiếu một chương trình nghị sự rõ ràng, có cấu trúc.
Giờ đây, những chướng ngại đó đã biến mất. Trump hiểu rõ hơn cách vận hành của bộ máy nhà nước Mỹ, toàn bộ lực lượng chống đối trong Đảng Cộng hòa đã bị loại bỏ, và ông ta có thể dựa vào một kế hoạch chi tiết, tức Project 2025, để định hướng hành động. Chúng ta giờ đây có thể đánh giá ông ta dựa trên hành vi thực tế chứ không chỉ lời nói.
Ông có cho rằng hiện nay chủ nghĩa Trump giống với chủ nghĩa phát xít không?
Marc Lazar: Không thể phủ nhận là có những điểm tương đồng giữa hai chế độ: chủ nghĩa dân tộc, mong muốn hạn chế tự do học thuật, đe dọa báo chí, trấn áp người phản kháng, đặc biệt là sinh viên. Nhưng sự tương đồng không có nghĩa là đồng nhất. Dù Trump đặt ra thách thức cực kỳ nghiêm trọng với nền dân chủ và các quyền tự do, việc gọi ông ấy và chính sách của ông ấy là phát xít là điều rất phức tạp, bởi hoàn cảnh ở Mỹ khác xa với bối cảnh của chủ nghĩa phát xít lịch sử.
Trước hết là vấn đề bạo lực: vụ tấn công Điện Capitol, dù tàn bạo, vẫn không thể so sánh với sự tàn ác của các nhóm vũ trang phát xít Ý từng gieo rắc nỗi sợ khắp xã hội. Kế đến, chủ nghĩa phát xít gắn liền với một Nhà nước mạnh: dù chính quyền liên bang Mỹ có quyền lực chính trị, Trump thông qua Elon Musk và Bộ Hiệu quả Chính phủ (hay DOGE) đang theo đuổi chính sách thu hẹp vai trò của Nhà nước, và nền kinh tế Mỹ không nằm dưới quyền kiểm soát toàn diện như dưới thời phát xít. Cuối cùng, đặc trưng của phát xít là kiểm soát toàn xã hội và chuẩn bị có hệ thống để tạo ra một nhân loại mới; điều này không xảy ra ở Mỹ, nơi không tồn tại đảng trị.
Do đó, việc dùng từ “phát xít” để mô tả chủ nghĩa Trump là điều gây tranh cãi. Nếu ta gọi Trump là phát xít, làm sao chúng ta giải thích được cho thế hệ trẻ sự kinh hoàng đặc thù của chế độ phát xít Ý? [Tại sao không? Đoạn này lập luận thật khó hiểu - Tân] Việc lạm dụng từ “phát xít” còn khiến ta không thể hiểu được tính đặc thù của điều đang thực sự xảy ra. Chúng ta cần một khái niệm mới, giống như cách mà những người đương thời của chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa bôn-sê-vích và chủ nghĩa quốc xã từng đưa ra thuật ngữ “chủ nghĩa toàn trị”8 để mô tả các chế độ chưa từng có trước đó.
O. B.: Theo tôi, cần phân biệt ba khía cạnh: con người Trump, phong trào của ông ta, và hình thức chế độ chính trị mà ông ta thiết lập.
Trump không phải là một nhà tư tưởng muốn truyền bá ý hệ: ông ta đã chứng minh rằng mình có thể đưa ra bất kỳ lập trường nào, rồi lại quay lưng với chính nó miễn là đạt được mục tiêu cuối cùng, tức là phục vụ lợi ích cá nhân. Gán cho ông ta nhãn “phát xít” là không hiểu được mối quan hệ công cụ mà ông ta có với chính trị.
Về phía phong trào của ông ta, tình hình lại khác: có những người tự nhận là phát xít và coi Trump là kênh truyền tải ý tưởng của họ, thậm chí là người đại diện lý tưởng. Trump chưa bao giờ công khai phủ nhận sự ủng hộ đến từ phe cực hữu; ở đây, tôi nghĩ đến David Duke hay nhóm dân quân tân phát xít Proud Boys [“Những chàng trai kiêu hãnh”].9
Xét về mặt ý hệ của phong trào Trump, những điểm tương đồng với chủ nghĩa phát xít là vô cùng đáng lo ngại. Ý hệ MAGA dựa trên niềm tin rằng nhóm từng kiểm soát các vị trí quyền lực truyền thống ở Mỹ – những người đàn ông da trắng, phần lớn theo Cơ Đốc giáo – đã bị “thay thế” bởi các nhóm xã hội khác: phụ nữ và người da màu. Theo lập luận của họ, nhóm từng nắm quyền nay đã trở thành nạn nhân, bị phân biệt đối xử, thậm chí bị gạt ra khỏi hệ thống chính trị và các giá trị của họ không còn được thừa nhận là những giá trị chủ đạo trong xã hội. Chủ nghĩa Trump, giống như chủ nghĩa phát xít, thấm đẫm nỗi sợ suy tàn và niềm hoài vọng về một thời hoàng kim đã mất cần được phục hồi.
Cuối cùng, trong các điểm tương đồng giữa phát xít và Trump, cần nhắc đến việc từ chối công nhận đối thủ chính trị là đối thủ hợp pháp – Đảng Dân chủ bị coi là những kẻ phản bội đất nước, không xứng đáng để đối thoại chính trị theo một cách có lý trí – và nói rộng hơn là sự bác bỏ chủ nghĩa tự do và đa nguyên chính trị.
Vậy còn chế độ chính trị mà Trump thiết lập thì sao?
O. B.: Chế độ chính trị ở Hoa Kỳ hiện nay không phải là chế độ phát xít giống như ở châu Âu giai đoạn giữa hai cuộc chiến, nhưng theo tôi, các điểm tương đồng với phát xít nhiều hơn là khác biệt. Dù không có một đảng vũ trang, vai trò của bạo lực trong chính trị đang ngày càng tăng: một số nhân vật của cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa chống đối Trump đã phải đối mặt với các đe dọa nhắm vào gia đình họ.
Dù không có đảng trị, Trump vẫn tiếp tục, như trong nhiệm kỳ đầu, tiến hành các biện pháp nhằm làm suy yếu các tổ chức chiến lược của Đảng Dân chủ, từ các viện nghiên cứu chính sách, các hãng luật cho tới các tổ chức gây quỹ, với mục tiêu làm tiêu biến đối lập chính trị và đảm bảo rằng nhờ các cuộc bầu cử bị thao túng, Đảng Cộng hòa có thể nắm quyền gần như vĩnh viễn.
Dù không có tổ chức thanh thiếu niên chính thức để “huấn luyện” công dân từ nhỏ, nhưng các nỗ lực đồng hóa xã hội dân sự đang dần xuất hiện, đặc biệt là trong giới học thuật và truyền thông.
Dù không cổ vũ rõ ràng việc kiến tạo một “nhân loại mới” như ở châu Âu giữa thế kỷ XX, phong trào MAGA lại thể hiện rõ một hình thức nam quyền phục cổ, với lý tưởng phục hồi mô hình nam tính truyền thống và tái lập sự thống trị của nam giới trong gia đình và xã hội. Ngoài ra, nó còn khuyến khíchta “chủ nghĩa sinh sản mới” (néonatalisme), kêu gọi người Mỹ da trắng sinh nhiều con hơn để chống lại sự suy giảm dân số da trắng ở Mỹ và châu Âu.10
Cuối cùng, dù Trump đang thể hiện mong muốn thu hẹp Nhà nước phúc lợi, ông ta lại tăng cường đáng kể quyền lực Nhà nước trong các lĩnh vực hành pháp, đặc biệt là nhập cư và quốc phòng. Ông dựa vào học thuyết “hành pháp thống nhất” (unitary executive theory), tức là hành pháp gần như không bị ràng buộc bởi lập pháp, để áp đặt một tầm nhìn về Nhà nước mạnh và sử dụng nó như cánh tay vũ lực cho chương trình nghị sự chính trị của mình.
M. L.: Điều đó đúng, nhưng theo tôi, vẫn còn thiếu một số yếu tố cốt lõi của chủ nghĩa phát xít. Trước hết là vấn đề “nhân dân”. Với Trump, “nhân dân” là một khái niệm tích cực – miễn là, theo ông, họ được “thanh lọc” khỏi người nhập cư vốn “làm ô uế” dòng máu Mỹ. Trái lại, Benito Mussolini coi nhân dân không đạt chuẩn: ông ta đề cao họ, thậm chí tán dương, nhưng cũng cho rằng họ đã bị suy đồi, “mất nam tính” bởi lối sống hưởng thụ dolce vita và ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo, do đó cần phải được cải tạo và huấn luyện lại.
Thứ hai là vấn đề chiến tranh. Đây là trọng tâm của chủ nghĩa phát xít; nó tôn vinh chiến tranh như một giá trị, trong khi chính sách Mỹ lại mâu thuẫn: chính quyền Trump gần đây có biểu hiện tham vọng đế quốc, nhưng bản thân ông ta vẫn tự nhận là người kiến tạo hòa bình, và lợi dụng tâm lý bài chiến tranh của dân Mỹ là không muốn “chết ở nước ngoài”.
Cuối cùng, và quan trọng nhất, là bối cảnh lịch sử. Khi chủ nghĩa phát xít nổi lên ở Ý, truyền thống dân chủ ở đó còn rất non yếu và mong manh. Dù nền dân chủ Mỹ có nhiều khuyết điểm, báo chí vẫn được tự do và các cơ chế kiểm soát quyền lực vẫn tồn tại. Truyền thống dân chủ của Mỹ có bề dày lịch sử, và vẫn chưa nói lời cuối cùng.
Theo ông, liệu có thuật ngữ nào khác phù hợp hơn?
M. L.: Chúng ta có những khái niệm khác, chẳng hạn như “dân chủ phi tự do” (illiberal democracy), một thuật ngữ do chính Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đưa ra, người cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều phong trào cực hữu trên toàn thế giới. Một nhà dân chủ phi tự do vẫn tham gia bầu cử, nhưng đồng thời tìm cách hạn chế các quyền tự do và thiết lập cơ chế kiểm soát xã hội. Trump có lẽ là một dạng nhà dân chủ phi tự do như vậy, nhưng gọi ông là phát xít thì theo tôi, vẫn chưa đủ cơ sở.
O. B.: Tôi đồng ý. Chúng ta có thể nói về “nền dân chủ phi tự do” hoặc “chế độ độc tài cạnh tranh” (competitive authoritarianism).11 Về hình thức, vẫn còn một mức độ cạnh tranh chính trị nhất định giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, nhưng các quy tắc của cuộc chơi đã không còn công bằng và minh bạch; đảng cầm quyền tìm cách thao túng bầu cử để duy trì bề ngoài dân chủ, đồng thời đảm bảo rằng kết quả cuối cùng luôn nghiêng về phía họ.
Vì sao câu hỏi về mối liên hệ giữa chủ nghĩa Trump và ý hệ phát xít lại trở nên cấp thiết đến vậy?
M. L.: Cuộc tranh luận về khái niệm phát xít đã bắt đầu trước cả khi hiện tượng Trump xuất hiện. Tại Pháp, chúng ta từng đặt câu hỏi tương tự với Mặt trận Quốc gia (Front National, nay là Rassemblement National từ năm 2018); ở Ý, là với việc Silvio Berlusconi lên nắm quyền năm 1994, hay chiến thắng của Giorgia Meloni năm 2022. Các nền dân chủ của chúng ta vốn được xây dựng trên nền tảng chống phát xít sâu sắc: khi xuất hiện những hiện tượng chính trị có vẻ như, hoặc thực sự, có liên hệ với phát xít, chúng được xem như dấu hiệu báo động cho sự suy yếu của nền dân chủ.
Bởi nền dân chủ Mỹ vẫn được xem là hình mẫu và nguồn cảm hứng cho các nền dân chủ phương Tây khác nên sự trỗi dậy của hiện tượng Trump, một cách chính đáng, đã đặt lại vấn đề này, trong bối cảnh mức độ mất niềm tin vào chính trị ngày càng gia tăng và chủ nghĩa dân túy trỗi dậy tại hầu hết các nền dân chủ phương Tây.
Câu hỏi này càng trở nên cấp thiết bởi một số phong trào dân túy như Vox ở Tây Ban Nha, Alternative für Deutschland (AfD) ở Đức, hay Fratelli d’Italia ở Ý12 đều mang lập trường “chống phản-phát xít” (anti-antifascisme). Đảng của Giorgia Meloni đã tỏ thái độ xa lánh chế độ phát xít ngày xưa, lên án luật bài Do Thái năm 1938, nhưng lại cho rằng đó là một quá khứ đã khép lại: họ chỉ trích các lực lượng phản-phát xít, những người không muốn quên đi tội ác của Mussolini. Chính lập trường “chống phản-phát xít” này buộc chúng ta phải xem xét mối quan hệ thực sự giữa các thực thể chính trị đó và chủ nghĩa phát xít.13
O. B.: Việc đặt ra câu hỏi liệu Trump có phải là một nhà phát xít hay không không chỉ giúp chúng ta đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện tại, mà còn ngăn ta khỏi việc coi ông như một hiện tượng đơn lẻ hay một “ngoại lệ” trong lịch sử nước Mỹ. Không thể hiểu được sự trỗi dậy của Trump trong lòng hệ thống chính trị Hoa Kỳ nếu không xét đến các nền tảng xã hội và truyền thống chính trị – bao gồm cả những yếu tố thuộc về truyền thống phát xít – đã góp phần hình thành nên phong trào Trumpism. Chủ nghĩa cực hữu vốn đã cắm rễ sâu trong xã hội Mỹ: nó sẽ không biến mất cùng với sự ra đi của Trump. Việc một thế hệ chính trị gia kế cận đang dần định hình, tiêu biểu như Phó Tổng thống hiện tại, J. D. Vance, người đã bắt đầu chuẩn bị cho “kỷ nguyên hậu Trump”, chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho điều đó.
Ruth Ben-Ghiat là tác giả của Strongmen: Mussolini to the Present (2020), một công trình so sánh các nhà lãnh đạo chuyên chế từ Mussolini đến Trump. Bài về “normalcy bias” có nhắc đến ông.
Trong cụm từ “Các Đoàn chiến đấu Fasci” (tiếng Ý: Fasci di combattimento), từ Fasci là số nhiều của Fascio, có nghĩa gốc là “bó”, như bó gậy (fasces), một biểu tượng cổ La Mã gồm một bó gậy được buộc lại, đôi khi có lưỡi rìu, tượng trưng cho quyền lực tập thể và sức mạnh thống nhất của Nhà nước.
Benito Mussolini đã sử dụng từ này vào năm 1919 khi thành lập phong trào chính trị có tên “Fasci Italiani di Combattimento”, tạm dịch là “Các Đoàn Chiến đấu Ý”, với ý tưởng rằng một nhóm người cùng đoàn kết lại (bó lại với nhau như bó đũa) sẽ tạo nên sức mạnh. Đây không phải là một đảng phái với cương lĩnh tư tưởng rõ ràng ngay từ đầu mà là một phong trào bao gồm những cựu binh, người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và các thành phần bất mãn sau Thế chiến Thứ nhất.
“Chiến thắng bị cắt xén” (Vittoria Mutilata) là một biểu tượng trong diễn ngôn phát xít Ý, phản ánh cảm giác bị phản bội sau Thế chiến Thứ nhất khi các yêu sách lãnh thổ của Ý không được thỏa mãn trong Hiệp ước Versailles.
Robert Paxton là tác giả The Anatomy of Fascism (2004), được xem là một trong những công trình nền tảng về các đặc điểm nhận diện của chủ nghĩa phát xít.
Miklós Horthy (1868–1957) là nhiếp chính của Vương quốc Hungary giữa hai cuộc thế chiến, với xu hướng độc tài bảo thủ; phong trào Falange Tây Ban Nha do José Antonio Primo de Rivera thành lập năm 1933 mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan, kết hợp Công giáo và chủ nghĩa độc tài.
Scritti corsari (1976) của Pasolini là tập tiểu luận, ghi chép chính trị, trong đó ông so sánh hệ thống tiêu dùng hiện đại với các chế độ phát xít về khả năng “đồng hóa” cá nhân.
Umberto Eco trình bày khái niệm “ur-fascisme” trong một bài phát biểu năm 1995 tại Đại học Columbia, sau đó được xuất bản với nhan đề Eternal Fascism: Fourteen Ways of Looking at a Blackshirt (1995).
Khái niệm “chủ nghĩa toàn trị” (totalitarianism) được phát triển vào những năm 1930 bởi các nhà tư tưởng như Carl Joachim Friedrich, Hannah Arendt và Zbigniew Brzeziński nhằm mô tả các chế độ kiểm soát toàn diện đời sống xã hội, như Đức Quốc xã và Liên Xô thời Stalin.
Proud Boys là nhóm cực hữu, trụ sở ở Mỹ và Canada, có xu hướng tôn sùng bạo lực và chủ nghĩa dân tộc da trắng. Nhóm này thường xuyên tham gia vào các cuộc biểu tình bạo lực và bị nhiều tổ chức coi là nhóm cực đoan.
Thuật ngữ này (“chủ nghĩa sinh sản mới”) không chỉ nhấn mạnh việc khuyến khích sinh đẻ mà còn mang hàm ý tái khẳng định một cấu trúc xã hội truyền thống, trong đó vai trò của gia đình và sự duy trì dân số da trắng được xem là trung tâm. Nó gắn liền với một hệ tư tưởng bảo thủ, nơi việc tăng sinh sản được coi là một chiến lược văn hóa và nhân khẩu học để bảo vệ “bản sắc” dân tộc trước những thay đổi nhân khẩu học hiện đại.
Chế độ độc tài cạnh tranh (competitive authoritarianism) là khái niệm do các nhà khoa học chính trị Steven Levitsky và Lucan Way phát triển để mô tả các chế độ trong đó các định chế dân chủ hình thức (như bầu cử, tự do báo chí và tư pháp độc lập) vẫn tồn tại, nhưng bị thao túng có hệ thống đến mức không còn đảm bảo sự cạnh tranh công bằng. Trong các chế độ này, phe đối lập vẫn có thể tham gia bầu cử nhưng bị cản trở bởi việc kiểm soát truyền thông, sử dụng công cụ nhà nước để trấn áp đối thủ, và làm suy yếu các cơ quan độc lập.
Fratelli d’Italia (Đảng “Anh em Ý”, hay FdI) là đảng dân túy cánh hữu, được thành lập vào năm 2012 bởi Giorgia Meloni, Ignazio La Russa và Guido Crosetto sau khi tách khỏi đảng Popolo della Libertà. Dưới sự dẫn dắt của Meloni, đảng này đã trở thành đảng lớn nhất trong cuộc bầu cử năm 2022, đưa Meloni trở thành Thủ tướng Ý, người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. FdI có nguồn gốc từ Liên minh Quốc gia hậu phát xít (Alleanza Nazionale) và sử dụng biểu tượng ngọn lửa ba màu liên kết với truyền thống tân phát xít. Đảng ủng hộ chủ quyền quốc gia, giá trị gia đình truyền thống, kiểm soát nhập cư nghiêm ngặt và chính sách kinh tế ưu tiên Ý. FdI mang tư tưởng hoài nghi châu Âu nhưng ủng hộ NATO, và chính phủ của Meloni được mô tả là chính phủ cánh hữu nhất ở Ý kể từ Thế chiến Thứ hai.
Thay vì công khai ủng hộ chủ nghĩa phát xít lịch sử, các đảng này tìm cách làm suy yếu tính chính danh của phong trào phản-phát xít bằng cách mô tả đây như một hình thức đạo đức giả, độc đoán hoặc bị chính trị hóa. Ví dụ, Fratelli d’Italia, vốn có nguồn gốc từ đảng tân phát xít MSI (Phong trào Xã hội Italy), tuy chính thức lên án các đạo luật bài Do Thái năm 1938 và chế độ độc tài Mussolini, nhưng đồng thời cho rằng xã hội Ý cần “vượt qua quá khứ” và từ chối những “ám ảnh lịch sử” mà các lực lượng cánh tả duy trì. Vox ở Tây Ban Nha cũng có thái độ tương tự khi chỉ trích sự “độc quyền đạo đức” của các lực lượng chống phát xít và phản đối việc khai quật mộ Franco hay gỡ bỏ các biểu tượng độc tài còn sót lại. AfD tại Đức thì công kích mạnh mẽ các chính sách tưởng niệm Holocaust, cho rằng chúng áp đặt mặc cảm tội lỗi vĩnh viễn lên người dân Đức hiện nay.
Lập trường “chống phản-phát xít” này không chỉ đơn giản là phủ nhận quá khứ mà còn là một công cụ để hợp pháp hóa một số yếu tố từng bị gắn với phát xít như chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bài ngoại và sự tập trung quyền lực, dưới một lớp vỏ dân chủ mới. Chính vì thế, khi “chủ nghĩa Trump” thể hiện nhiều yếu tố tương tự, việc đặt câu hỏi về mối quan hệ của nó với chủ nghĩa phát xít không còn là một cách nói ví von mà là một nhu cầu cấp thiết nhằm hiểu bản chất của những chuyển biến chính trị đang diễn ra trên quy mô toàn cầu.
Có thể xem thêm bài kỳ trước:
Chủ nghĩa phát xít: Tái sinh dưới lớp vỏ dân túy?
Bài dưới đây phân tích phong trào của Trump và rộng hơn là các phái cực hữu trên thế giới dưới dạng một hình thức phát xít “mới” không cần đồng phục hay chiến tranh mà vận hành qua truyền thông, bất mãn xã hội, định kiến giới và văn hóa sợ hãi. Chiều hướng này nguy hiểm vì dễ lan rộng trong lòng các nền dân chủ. Các phong trào hậu phát xít không tổ chức…